Cần cân nhắc mục tiêu giảm phát thải khi quyết định giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thanh Thanh|08/07/2024 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc giảm phí có thể sẽ phải cân nhắc đến lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải, và mục tiêu giảm phát thải chung của Việt Nam để đáp ứng nghĩa vụ quốc tế theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Theo đó, mới đây, Bộ Tài chính lại tiếp tục đưa ra đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước dự kiến áp dụng từ từ 1/8/2024 đến hết 31/1/2025. Nếu được Chính phủ ban hành thì đây là lần thứ 4 chính sách này được áp dụng nhằm kích cầu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước.

Trước đó, Chính phủ đã 3 lần ban hành chính sách hỗ trợ với ô tô lắp ráp trong nước dưới hình thức giảm 50% lệ phí trước bạ từ năm 2020. Cụ thể, lần đầu là Nghị định 70/2020, áp dụng từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Lần thứ hai là Nghị định 103/202 áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022. Và lần thứ ba là Nghị định 41/2023 áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Lý do đưa ra chính sách này được Bộ Tài chính cho biết nhằm giúp các doanh nghiệp ô tô trong nước vượt qua khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Đây là biện pháp tạm thời chỉ áp dụng trong thời gian 6 tháng.

Trong đề xuất lần thứ 4 này, dự kiến áp dụng từ 1/8/2024 đến 31/1/2025. Bộ Tài chính đánh giá tình hình ngành lắp ráp ô tô trong nước còn nhiều khó khăn. Sản xuất, kinh doanh suy giảm, doanh nghiệp cạn kiệt nguồn vốn.

Mặc dù có tác động nhất định đến tăng doanh số cho các nhà bán hàng và giảm lượng tồn kho cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc giảm phí có thể sẽ phải cân nhắc đến lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải, và mục tiêu giảm phát thải chung của Việt Nam để đáp ứng nghĩa vụ quốc tế theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

giam-phi-truoc-ba.jpg
Cần cân nhắc mục tiêu giảm phát thải khi quyết định giảm lệ phí trước bạ ô tô

Giao thông vận tải là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Trong chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê tan của ngành giao thông vận tải, giai đoạn 2022 – 2030, Chính phủ đã đề ra lộ trình thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, mở rộng phối trộn 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Từ năm 2031 trở đi sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.

Trong khi đó, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ được áp dụng với cả dòng xe chạy xăng, dầu và xe chạy năng lượng sạch như mẫu xe điện hay xe Hybrid. Tuy nhiên, tâm lý khách hàng hầu hết vẫn dồn vào các dòng xe chạy xăng, dầu mẫu cũ, với mức giảm giá sâu hơn tới vài trăm triệu đồng. Điều này thể hiện rõ qua kết quả doanh số tại thị trường Việt Nam năm 2023, nhóm 10 xe bán chạy nhất không có mẫu xe “xanh” nào. Như vậy, chính sách kích cầu của Nhà nước có khả năng đi ngược với định hướng "xanh hóa" phương tiện giao thông được đề ra trước đó.

Để triển khai “Kế hoạch hành động chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch” và “Lộ trình dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng xăng, dầu”, từ năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi động cập nhật, sửa đổi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cùng với cập nhật, sửa đổi quy định quản lý phương tiện, thiết bị chuyên dùng. Bộ cũng dự kiến hoàn thành Kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông điện quốc gia trong năm 2025, đồng thời, xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ, với ưu tiên cao nhất hiện nay là phải thực hiện được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). 

Theo kịch bản phát triển thông thường (BAU), ngành giao thông vận tải sẽ phát thải 64,3 triệu tấn vào năm 2025 và 88,1 triệu tấn vào năm 2030. Một trong những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đề ra trong NDC là giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới.

Bên cạnh đó, trong khuyến nghị đưa ra tại “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không”, Bộ Công Thương Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch cũng nhấn mạnh, phương tiện giao thông điện (BEV) nên được xem xét đưa ngay vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, trở thành ưu tiên trong quyết định mua sắm của các hộ gia đình. Điện khí hóa các phân khúc vận tải hạng nhẹ mang lại hiệu quả về mặt chi phí tối ưu nhất trong tất cả các kịch bản giảm phát thải khí nhà kính ngành giao thông vận tải.

Bài liên quan
  • Giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa - Bài 1: Xu thế và cơ hội
    Là một quốc gia có diện tích sản xuất lúa nước lớn và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, việc chuyển sang phương thức canh tác lúa giảm phát thải được đánh giá là một trong những giải pháp tiềm năng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030, đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cần cân nhắc mục tiêu giảm phát thải khi quyết định giảm lệ phí trước bạ ô tô