Sau khi nhận được phản ánh của người dân, nhóm phóng viên đã có mặt tại huyện miền núi Bắc Trà My rồi thuê ghe đi ngược dòng Sông Tranh hơn hai tiếng đồng hồ, tiếp tục lội rừng, băng núi, bấp chập hiểm nguy để vào đi vào tiểu khu 752 thuộc địa phận rừng phòng hộ Sông Tranh. Tại đây. Thật ngỡ ngàng trước cảnh tượng cánh rừng bị tàn phá không thương tiếc.
Phá rừng không thương tiếc
Qua tìm hiểu, phóng viên phát hiện một lán trại dựng bằng khung gỗ, lợp bạt với đầy đủ những vật dụng, nhu yếu phẩm cũng như dụng cụ để đốn hạ cây, xẻ gỗ cho nhiều người.
Nhiều cây gỗ 2 – 3 người ôm không xuể
Càng đi sâu vào những cánh rừng già, xuất hiện một “đại công trường” chế biến gỗ. Tại khu vực này hàng chục gốc cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm bị triệt hạ kéo theo hàng loạt cây cối khác ngã ngỗn ngang hoang tàn.
Trên thực địa, những cây cổ thụ trơ gốc ứa nhựa, bìa gỗ và nhánh cây còn tươi rói. Đa số gỗ đã được lâm tặc dùng trâu và sức người vận chuyển khỏi công trường này, nhưng xung quanh vẫn ngổn ngang những khúc gỗ, phách gỗ, nhánh cành. Nhiều cây gỗ được cắt thành khúc dài từ 2 – 3 m chờ rã thành phách có đường kính từ 80cm – 1m vẫn còn vương vất tại “xưởng gỗ giữa rừng” này.
Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, nhiều phách gỗ bị xẻ thịt nằm la liệt. Có thể đây là những phách gỗ bị bỏ lại do lâm tặc chưa vận chuyển kịp.
Phá rừng để làm… đũa!?
Ông Lê Văn Trường, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My kiêm Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh cho biết: “Khu vực xã Trà Bui có diện tích rừng khoảng gần 13.000 ha, trong đó có hơn 9.000 ha là diện tích rừng tự nhiên. Khu vực rừng bị xâm hại là nằm ở tiểu khu 752 (thuộc lâm phận xã Trà Bui)”.
Những cây gỗ lâu năm đã bị triệt hạ không thương tiếc.
Cũng theo ông Trường, qua kiểm tra, đoàn công tác của Hạt Kiểm lâm đã ghi nhận có 20 gốc cây đã bị đốn hạ, trong đó có 2 cây gỗ chò, còn lại là gỗ chuồn với ước tính khoảng hơn 17 m3 gỗ. Hiện trường vẫn còn hơn 14m3 gỗ để lại.
Còn ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc phá rừng phòng hộ, UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam trực tiếp vào hiện trường kiểm tra.
Ông Vũ cho rằng, do địa bàn quá rộng nên công tác quản lý rừng gặp khá nhiều khó khăn. “Việc để xảy ra phá rừng một phần cũng do quản lý lỏng lẻo”.
Ông Vũ cũng thừa nhận, lực lượng chức năng ghi nhận hàng chục gốc cổ thụ bị đốn hạ, bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy rằng đây là một vụ phá rừng có quy mô, bài bản, tính chất nghiêm trọng.
“Chúng tôi sẽ nhìn nhận vấn đề trên tinh thần cầu thị, nhận khuyết điểm để từ đó tìm cách giải quyết rốt ráo, triệt để, chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới. Chúng tôi cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng này”, ông Vũ nói.
Theo ông Trường, các đối tượng phá rừng mục đích lấy gỗ là để làm đũa. Hiện nay trên địa phương có khoảng 5 cơ sở làm đũa để kinh doanh. Ban đầu các cơ sở này đăng ký là làm đũa tre, đũa dừa. Nhưng “có lẽ do nhu cầu thị trường, họ chuyển qua làm gỗ từ gỗ chuồn”.
Được biết, chiều ngày 21/3, lực lượng Kiểm lâm đã đến các cơ sở sản xuất đữa yêu cầu tạm dừng hoạt động và thu về hơn 1 m3 gỗ chuồn không rõ nguồn gốc.
Đây không phải là vụ phá rừng đầu tiên ở huyện Bắc Trà My. Nhưng điều đáng nói, diện tích rừng bị tàn phá là rất lớn, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có một biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn.
An Nhiên (T/h)