Trong những năm gần đây, tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước nói chung, tình trạng cướp giật lộng hành đã, đang không chỉ làm đau đầu các cơ quan chức năng, mà còn mang tới cho người dân nỗi bất an lo sợ mỗi khi ra đường. Nạn cướp giật cực kỳ nguy hiểm, bởi không chỉ bị mất tài sản giá trị, thân thể của người bị hại thường nhẹ là xât sát, chấn thương khi bị ngã đổ ra đường, còn nặng thì khó lòng bảo toàn được tính mạng…
Trước khi chờ đợi các cơ quan chức năng tìm ra phương hướng, kế hoạch hữu hiệu để “khắc chế” làm giảm nạn cướp giật, thì mỗi người dân chúng ta cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan làm “mồi ngon” cho bọn cướp giật. Hãy từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại trên đường, và không nên “khoe” của bằng hình thức đeo dây chuyền, lắc tay bằng kim loại quý quá lộ…
Dưới đây là một số điều mọi người dân, du khách cần phải “nằm lòng” mỗi khi di chuyển trên đường để phòng tránh bị cướp giật:
Không nên để lộ tài sản có giá trị khi đi trên đường
Khi di chuyển trên đường phố, bất kể là đi bộ hay chạy xe gắn máy, chỉ cần bạn có đeo chiếc lắc tay, hay sợi dây chuyền kim loại quý có giá trị cao, mà để lộ ra thì chắc chắn sẽ bị các đối tượng chuyên hành nghề cướp giật để ý. Các đối tượng thường chạy xe trên đường để xăm soi “con mồi” chờ cơ hội sơ hở là chúng ra tay cướp giật. Nếu như chúng thấy bạn đeo sợi dây chuyền quý trị giá cỡ một vài chục triệu, là chúng sẽ bám theo, đợi thời cơ thuận lợi nhất như chỗ đường vắng, bạn không để ý là chúng áp sát để giật phăng rồi tăng ga bỏ chạy. Nếu như sợi dây chuyền bị đứt mà bạn không bị nhào ngã là cực kỳ may mắn, chứ thông thường bị nạn thường hay ngã đổ xuống đường, rồi bị chấn thương gây nguy hiểm thân thể, tính mạng.
Theo lời kể của một người dân sống ở TP. Hồ Chí Minh, cách đây gần 1 năm, chính mắt tôi đã từng chứng kiến một chị phụ nữ đi xe đạp trên đường ngay phía trước tôi bị hai tên cướp đi xe gắn máy, đeo khẩu trang giật phăng mất sợi dây chuyền vàng 24k trên cổ. May mà chị phụ nữ kia chỉ bị xây sát ở phần cổ, không bị ngã, bởi chị ta đi xe đạp chầm chậm, chứ bữa đó đi xe gắn máy mà phóng với tốc độ nhanh hơn thì không biết tính mạng của chị ấy sẽ là như thế nào(?!). Nguyên nhân chị phụ nữ này bị cướp, là do sợi dây chuyền 5 chỉ vàng khá giá trị, cỡ hơn chục triệu đồng, lại được đeo hở ở phần cổ không hề có khăn che kín, vì vậy mà bọn cướp giật chỉ cần nhìn đã thấy hấp dẫn, và việc bọn chúng ra tay khi thấy “mồi ngon” là điều khó tránh khỏi…
Rồi còn rất, rất nhiều vụ người dân bị cướp giật dây chuyền trên đường mà báo chí, các phương tiện truyền thông đưa tin, song không hiểu sao vẫn có không ít người luôn hớ hênh khi ra đường, vẫn luôn đeo dây chuyền lộ liễu theo kiểu “khoe của” để làm mồi cho bọn cướp. Từ thực trạng trên, mong hết thảy mọi người dân có đeo dây chuyền kim loại quý, khi ra đường đừng “khoe của”, mà nên giấu sợi dây, lắc tay phía trong cổ, tay áo dài, khăn quấn. Làm như vậy tôi tin chắc rằng bọn cướp sẽ khó lòng quan sát thấy, vì vậy mà vấn nạn cướp giật dây chuyền cũng vì thế ít xẩy ra hơn…
Nạn cướp giật trên đường phố xảy ra phổ biến ở Sài Gòn khiến người dân lo lắng
Hạn chế sử dụng điện thoại trên đường
Ngoài dây chuyền, lắc tay kim loại quý là những thứ mà bọn cướp giật hay “tăm tia” nhất, thì những năm gần đây điện thoại di động cũng là món đồ “hót” được bọn cướp chú ý nhiều hơn, bởi giá trị của những chiếc điện thoại thông minh đời mới là khá có giá trị, nhiều chiếc lên tới 15-20 triệu đồng, và khi cướp được mang bán lại cho các tiệm thu mua cũng có giá trị hàng triệu đồng.
Sở dĩ ngày càng có quá nhiều người bị cướp giật điện thoại là vì người dân khi di chuyển trên đường đã vô hình chung tự ý… “mời cướp”, khi họ sử dụng điện thoại một cách thiếu cẩn trọng. Đó là, có người vừa điều khiển xe gắn máy, hay vừa đi bộ trên đường, vỉa hè, vừa sử dụng điện thoại. Trong lúc sử dụng điện thoại thường những người này ít chú tâm tới xung quanh, mất cảnh giác, vì vậy mà lúc bị cướp họ sẽ không tránh khỏi bất ngờ, bàng hoàng, sợ hãi…
Chẳng vậy có nạn nhân bị cướp mất điện thoại một lát, tên cướp rồ ga chạy xa một đoạn xa mới bình tâm thốt lên được vài câu hô “cướp, cướp…” rất yếu ớt! Khi bị cướp giật điện thoại, thường nạn nhân chỉ bị mất tài sản, chứ thân thể, tính mạng ít bị xâm hại như kiểu bị cướp giật dây chuyền. Thế nhưng cũng có ít trường hợp cá biệt bị chấn thương vì ngã, khi bị cướp kéo lê trên đường vì người bị nạn cố giằng lại tài sản, mà hẳn mọi người còn nhớ tới vụ cướp điện thoại xẩy ra cách đây hơn 1 năm tại Quận 1, TP.HCM, khi tên cướp đã quá manh động, liều lĩnh cướp giật điện thoại của cô gái trẻ, rồi kéo lê cô cả vài chục mét trên đường khi nạn nhân cố níu giữ chiếc điện thoại của mình.
Để bọn cướp giật “khó làm ăn” hơn, mọi người khi di chuyển trên đường phố nên hạn chế sử dụng điện thoại, nếu cần thiết phải sử dụng, nếu đang đi xe gắn máy thì nên tạt ngang vào lề đường, dừng xe hoặc dắt xe lên vỉa hè sau đó mới thao tác nghe, gọi. Như vậy vừa tránh được kẻ cướp, lại đảm bảo sự an toàn giao thông. Với những người đi bộ trên vỉa hè, cũng nên dừng lại để sử dụng điện thoại, mặt hướng ra phía lòng đường, chứ đừng vừa rảo bước, vừa sử dụng, bởi bọn cướp thấy vậy, chúng có thể phái một tên xuống áp sát giật điện thoại rồi lên xe đồng bọn đang nổ máy đang chờ để chạy thoát thân.
Đóng khóa balo, túi xách cẩn thận
Ba lô, tú xách cũng là “món đồ” mà bọn cướp rất… “khoái”, nhất là những chiếc túi xách của chị em phụ nữ, bởi bọn chúng nắm được thói quen chung của phái nữ là thường để tất cả các thứ đồ có giá trị như điện thoại, tiền bạc…, và cả giấy tờ ở bên trong đó. Chính vì thế mà nếu phát hiện những ai đi xe gắn máy trên đường, hoặc ngồi phía sau xe mà có đeo túi xách, ba lô hớ hênh một bên vai, hay kẹp phía giữa yên xe và tay lái.., là bọn cướp áp sát giật. Thường thì dây đeo ba lô còn chắc chắn, chứ quai đeo của túi xách rất mỏng manh, nên việc bị giật và đứt là khá đơn giản.
Anh H ở Q 7, Sài Gòn chia sẻ, Cách đây khoảng 3 tháng, khi lưu thông trên đường, tôi bắt gặp một nữ sinh viên năm nhất dừng xe bên đường khóc nức nở. Hỏi ra mới biết em vừa bị hai tên đi xe máy cùng chiều giật mất chiếc túi xách, bên trong có điện thoại, hơn triệu đồng, cùng nhiều giấy tờ quan trọng là CMT, bằng lái xe, thẻ ATM…. Nữ sinh này mếu máo kể: “Em đang đi xe chầm chậm thì bất thình lình có hai tên đi xe máy từ phía sau vọt lên áp sát, giật phăng chiếc túi xách em đang đeo chéo ở phía sau lưng. Vì dây chiếc yuis rất mảnh nên nó bị đứt ngay tức thì, và bọn chúng vọt đi rất nhanh. Vì đường lúc đó vắng, không có ai nên em hô cướp cũng vô vọng…”. Chỉ là người bạn đường, nên tôi cũng chỉ biết an ủi em đi báo công an với hi vọng mong manh, và lần sau cẩn thận để không phải là nạn nhân của cướp giật!
Từ thực trạng nhiều người bị cướp giật ba lô, túi xách, vì vậy mọi người khi lưu thông trên đường cần phải đeo ba lô vào hai vai cho chắc chắn. Tốt hơn nhất, và đảm bảo sự an toàn hơn cho những vật dụng tài sản để trong ba lô, khi xuất hiện ở những nơi công cộng đông người thì nên quay đeo ba lô ngược về phía trước ngực. Đối với túi xách, chị em phụ nữ khi chạy xe máy trên đường thì tuyệt đối không đeo túi hờ hững ở lưng, một bên vai, hay kẹp, treo ở phía trước yên xe, mà nên để chúng trong cốp xe. Nếu xe không có cốp rộng, hoặc túi quá lớn…, thì nên đeo cả hai quai vào vai và quay phần túi xách về phía trước ngực, như vậy bọn cướp sẽ khó hơn khi hành động…
Đặng Đức