Bảo vệ môi trường

Can Lộc – Hà Tĩnh: Đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

Kế Hùng 11:55 11/11/2024

Phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Mới đây, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị UBND huyện Can Lộc tăng cường công tác quản lý, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

Sáng 8/11, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Hà Tĩnh do Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Thị Nhuần chủ trì đã khảo sát và làm việc với UBND huyện Can Lộc về chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023”.

Tham dự buổi làm vệc có thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện UBND huyện và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Can Lộc.

Trên địa bàn huyện Can Lộc có 15 mỏ (10 mỏ đá, 5 mỏ đất san lấp) hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản; trong đó, 6 mỏ giấy phép khai thác hết hiệu lực, dừng hoạt động khai thác.

Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện các quy định của cấp trên về quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản luôn được huyện Can Lộc chú trọng, quan tâm. Địa phương thường xuyên tuyên truyền và giám sát các hoạt động khai thác, khi phát hiện vi phạm đã lập biên bản, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực đối với các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn cơ bản chấp hành đảm bảo quy định. Các đơn vị, tổ chức khai thác khoáng sản cơ bản thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, xử lý tiếng ồn, sử dụng công nghệ, vật liệu nổ…

Huyện Can Lộc thường xuyên kiểm tra và có các văn bản đôn đốc các xã nơi có mỏ hoạt động, theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác để xử lý kịp thời khi có vi phạm. Địa phương phối hợp với các đoàn kiểm tra của tỉnh, tiến hành kiểm tra và xử lý đối với các mỏ hoạt động khai thác vi phạm theo quy định.

Hiện nay, có một số mỏ giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ. Các đơn vị khai thác khoáng sản chưa chấp hành, thực hiện việc đảm bảo quyền lợi của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. Một số mỏ vẫn xảy ra tình trạng không chấp hành nghiêm quy định, khai thác vượt phạm vi, công suất, ảnh hưởng môi trường, an toàn giao thông...

Tại cuộc giám sát, thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh yêu cầu UBND huyện Can Lộc và các ban, ngành liên quan làm rõ thêm về các nội dung sau: Kiểm soát cân tải trọng của phương tiện vận chuyển khoáng sản từ mỏ ra. Việc đóng nộp các loại thuế, phí về khoáng sản; công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản. Nguyên nhân một số đơn vị doanh nghiệp chưa thực hiện đóng cửa mỏ sau khi hết thời gian khai thác. Vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, việc thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn của doanh nghiệp khoáng sản...

truong-ban-phap-che-nguyen-thi-nhuan.jpg
Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Thị Nhuần tại buổi làm việc

Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Thị Nhuần đề nghị UBND huyện Can Lộc tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường đối với các mỏ khoáng sản hết hiệu lực giấy phép; rà soát nhu cầu, đảm bảo nguồn VLXD trên địa bàn; có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường trên các tuyến đường vận chuyển khoáng sản; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Can Lộc – Hà Tĩnh: Đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản