Công khai tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản để đúng mục đích và tránh lãng phí nguồn tài nguyên

Mai Hạ|08/11/2024 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản, các ĐBQH cho rằng, cần rà soát và công khai tổ chức, cá nhân thăm dò được phép thăm dò, khai thác khoáng sản để khai thác đúng mục đích, tránh lãng phí nguồn tài nguyên.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản vào ngày 28/11 tới. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH trong việc hoàn thiện dự án Luật là quy định về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản.

Công khai tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, tại khoản 2 Điều 50 quy định về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản. Theo đó, dự án Luật quy định hết thời hạn ưu tiên quy định tại khoản 1 của Điều này thì tổ chức, cá nhân đã thăm dò không gửi đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò thì mất quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của Chính phủ.

8-qh-dang.jpg
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.

Để đảm bảo minh bạch cơ chế trong triển khai thực hiện, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Địa chất và khoáng sản cần rà soát, nghiên cứu quy định cụ thể trong Luật hoặc giao cho Chính phủ, Bộ, ngành chức năng quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục để giải quyết việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp mất quyền ưu tiên theo quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, cần quy định hết sức minh bạch, tránh gây khó khăn cho đối tượng này. Đồng thời, đề nghị cần rà soát, nghiên cứu quy định về việc thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức, cá nhân cấp giấy phép khai thác hay thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nếu đưa khu vực lựa chọn ra khỏi khu vực không đấu thầu.

Có thể bỏ quyền ưu tiên của tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất, khoáng sản

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nêu quan điểm: Thời hạn ưu tiên nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân thăm dò đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận trong 36 tháng kể từ ngày được công nhận như ở khoản 1 điều 50 là quá dài và tiềm ẩn rủi ro. Bởi thực tế đã có trường hợp trong vòng 36 tháng kể từ ngày được công nhận kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng thì doanh nghiệp bị giải thể, phá sản hoặc không duy trì hoạt động vì những lý do khác nên không gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò. Trong khi đó, những doanh nghiệp khác có nhu cầu cấp phép khai thác tại vị trí trên thì phải chờ đến hết thời hạn 36 tháng theo quy định và như vậy sẽ làm mất cơ hội đầu tư cho các tổ chức khác.

Ngoài ra, tại khoản 2 của Điều 50 quy định "tổ chức, cá nhân đã thăm dò vẫn được quyền ưu tiên khi quá thời hạn 36 tháng không gửi đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò nếu thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định của Chính phủ".

Qua rà soát, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhận thấy, trong toàn bộ dự án Luật và cả dự thảo nghị định của Chính phủ gửi kèm hồ sơ, không có điều, khoản nào quy định về trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung khoản 3 là Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 50 cho chặt chẽ và toàn diện.

8-qh-hai.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng trong cạnh tranh, chủ động phòng, chống tiêu cực, tham nhũng và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị bỏ nội dung tại điểm c khoản 3 Điều 24 về quyền ưu tiên của tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất, khoáng sản. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung các hình thức như cấp lại, chuyển nhượng vào điểm c khoản 3 của Điều 75 để đảm bảo các quyền của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Đối với quy định chung về thu hồi khoáng sản, tại khoản 4 Điều 77, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung thêm một điểm với nội dung là được xử lý bán nhằm tạo điều kiện để khoáng sản thu hồi được sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí. Đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể về hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bán khoáng sản hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Tại khoản 5 Điều 77, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tổ chức thu hồi khoáng sản thì UBND tỉnh xem xét cho phép đơn vị khác thực hiện thu hồi, trong đó ưu tiên cho phép đơn vị thi công dự án thực hiện thu hồi. Như vậy, sẽ tránh trường hợp chủ đầu tư không thu hồi sẽ lãng phí khoáng sản.

Đưa ra quan điểm chỉ đạo về việc cấp quyền khai thác khoáng sản, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý, cấp phép thăm dò khoáng sản, quản lý Nhà nước về khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đều tâm huyết, trách nhiệm nên cần được cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu hoặc giải trình thuyết phục trước khi Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật tại Kỳ họp này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Công khai tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản để đúng mục đích và tránh lãng phí nguồn tài nguyên
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.