UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Mai Hạ|12/08/2024 17:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thảo luận về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, đa số các đại biểu quốc hội đều tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản và cơ bản thống nhất với bố cục cùng nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8 diễn ra vào sáng nay (12/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại Tổ và 19 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản và cơ bản thống nhất với bố cục cùng nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan, các chuyên gia nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo và học tập kinh nghiệm quốc tế; tổ chức làm việc với một số

12-qh.jpg
Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng nay tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách xây dựng Luật và thông báo kết luận của UBTVQH, gồm 12 Chương, 117 Điều, chỉnh lý 72 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo cùng Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiến hành rà soát 46 Luật có liên quan, trong đó có các Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thương mại, Quy hoạch, Xây dựng… Kết quả rà soát cho thấy không có sự chồng chéo về phạm vi quản lý và không ảnh hưởng đến việc quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản.

Dự thảo Luật điều chỉnh các loại khoáng sản, trừ dầu khí, các loại nước thiên nhiên khác không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đã bao hàm đầy đủ các đối tượng, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý. Việc quản lý nước khoáng, nước nóng thiên nhiên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có những khó khăn, thách thức nhất định. Tuy nhiên, cần thiết phải đưa vào đối tượng điều chỉnh để bảo đảm chủ quyền quốc gia đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở khu vực này. Đề nghị Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn để ban hành quy định hướng dẫn thực hiện các giải pháp quản lý phù hợp, khả thi.

Về phân nhóm khoáng sản (Điều 7), tiếp thu ý kiến ĐBQH, tại khoản 2 Điều 7 đã quy định giao Chính phủ quy định danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng. Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều được dự thảo Luật giao, có kèm theo danh mục khoáng sản theo từng nhóm và sẽ rà soát, bổ sung đất hiếm thuộc khoáng sản nhóm I và các khoáng sản nhóm III sẽ được nêu cụ thể trong danh mục này. Do vậy, sẽ bảo đảm không có sự lẫn lộn giữa các nhóm khoáng sản, không có khoảng trống pháp lý.

Đối với quy định về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 104), tiếp thu ý kiến của ĐBQH về thu hẹp phạm vi, đối tượng khu vực không đấu giá, theo đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý tại khoản 2 Điều 104. Theo đó, các khu vực được xác định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm: các loại khoáng sản bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng; khoáng sản được xác định phục vụ cho các nhà thầu thi công các dự án đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 75 (để bảo đảm nguồn vật liệu thi công cho các dự án); các khu vực khoáng sản do các tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản (để bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân đã cung cấp kinh phí cho các đề án điều tra) và các trường hợp thu hồi khoáng sản theo các dự án đầu tư xây dựng (là các trường hợp không phải vì mục đích khai thác khoáng sản).

Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bỏ quy định tiêu chí khu vực không đấu giá tại điểm b khoản 2 Điều 104 là "khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản".

Về các nội dung trong Luật Khoáng sản năm 2010 được rà soát theo nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, theo kết quả rà soát về mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật theo nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, có 4 nội dung trong Luật Khoáng sản năm 2010. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý các quy định đã tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến 4 nội dung theo yêu cầu.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của ĐBQH; thể hiện lại văn phong, sắp xếp bố cục dự thảo Luật cho khoa học và hợp lý hơn.

Sáng nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn,
phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc
tại Nhà Quốc hội.
Dự kiến, phiên họp diễn ra trong 3 ngày để cho ý kiến đối với
10 dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét một số nội
dung thuộc thẩm quyền, gồm: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán
người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật
Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành
niên.
Riêng Luật Phòng không nhân dân sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc
hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc tổ chức phiên họp
chuyên đề lần này rất quan trọng. 10 dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội
xem xét, cho ý kiến tại phiên họp lần này thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận xã
hội đặc biệt quan tâm, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp như các dự
án: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Thuế
giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị
và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản