Đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ban hành các văn bản theo thẩm quyền.
Đồng thời, tập trung tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (xong trong tháng 7/2024); nâng cao chất lượng công tác thẩm định cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường cấp phép thăm dò, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhất là khoáng sản đất san lấp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết tình trạng khan hiếm đất đắp.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện nghiêm trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và nhiệm vụ đã giao tại các quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó tập trung tham mưu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và gắn vai trò, trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định.
Cùng với đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản tới Nhân dân, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản thông qua các hình thức phù hợp như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn; thông qua Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang, Đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố…
UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản (đất, đá, cát, sỏi), đặc biệt là công tác “hậu” cấp giấy phép; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật (như: tịch thu, tiêu hủy phương tiện, truy cứu trách nhiệm hình sự...).
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và xác định Công an là lực lượng nòng cốt trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt các hồ sơ, thủ tục môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Cụ thể, cần tăng cường công tác hậu kiểm đối với các cơ sở, dự án khi vào hoạt động, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TU ngày 27/2/2020, Kết luận số 99-KL/TU ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của HĐND-UBND tỉnh đối với UBND cấp huyện; tham mưu tổng hợp, báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá 3 năm thực hiện Kết luận số 99-KL/TU ngày 18/5/2021.
Tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025-2030 (thay thế Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 955/QĐ-UBND ngày 28/12/2017), trình UBND tỉnh xem xét, quyết định (xong trong tháng 10/2024).
Chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các sở, cơ quan và UBND cấp huyện theo Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 11/3/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Các Sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường đối với UBND cấp xã; tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện và kịp thời tố giác hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; hành vi xả thải, tiếp nhận, chuyển giao, đổ thải, xử lý chất thải không đúng quy định.
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cấp giấy phép môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường sau cấp phép.
Hàng năm rà soát, tiến hành thống kê, quản lý các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng lập thủ tục về môi trường theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền; không để phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa phương.
Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác thu gom, xử lý rác thải; giao chỉ tiêu về tỷ lệ, kinh phí thu giá dịch vụ vào kế hoạch hàng năm của UBND cấp xã để cân đối ngân sách và đánh giá xếp loại người đứng đầu cấp xã; có lộ trình tăng dần tỷ lệ, mức thu giá dịch vụ thu gom đảm bảo chi trả cho các đơn vị cung ứng dịch vụ trên địa bàn, phù hợp với yêu cầu tại Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các công việc được giao theo Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 11/3/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu bố trí nguồn lực đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ các khu dân cư xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Rà soát, quản lý, yêu cầu các cơ sở chế biến thực phẩm, chăn nuôi trong các khu dân cư, làng nghề phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải; thường xuyên tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, nạo vét hệ thống cống, rãnh, kênh, mương, thu gom, xử lý rác thải.