Lạng Sơn tăng cường quản lý khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường

Mai Hạ|12/07/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Lạng Sơn, các đơn vị chức năng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường do các tổ chức, cá nhân đang triển khai tại các dự án được cấp phép, đảm bảo hiệu quả phương án khai thác và bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên trong quy hoạch.

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng mỏ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi khai thác vượt công suất, khai thác ngoài ranh giới được cấp phép, khai thác không đúng thiết kế và công nghệ khai thác đã được phê duyệt. Khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản...

Giao Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, rà soát và triển khai đồng bộ, hiệu quả phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024. Đôn đốc các đơn vị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường về trình tự lập, điều chỉnh, phê duyệt hồ sơ thiết kế theo quy định hiện hành. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ, kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng không đúng thiết kế được phê duyệt.

12-ks-lson.png
Hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng tại xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn)

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương và các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định, trình chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Đầu tư đảm bảo tuân thủ phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện dự án của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo nội dung quy định tại quyết định chủ trương đầu tư được phê duyệt.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước, sử dụng và bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, những năm qua, Lạng Sơn đã triển khai việc thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường (BVMT). Đây được coi là công cụ áp dụng cho các ngành kinh tế dễ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các DN hoạt động khai thác khoáng sản trước khi đầu tư phải đặt cọc một khoản tiền lớn hơn hoặc xấp xỉ với kinh phí cần để khắc phục môi trường nếu DN gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường. Theo quy định, các tổ chức, cá nhân khi hoạt động khai thác khoáng sản phải lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác và tiến hành ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam hoặc Quỹ BVMT của địa phương nơi có mỏ khai thác.

Hữu Lũng là huyện có nhiều DN khai thác khoáng sản nhất trên địa bàn tỉnh. Toàn huyện hiện có 26 DN hoạt động khai thác cát, sỏi, đá vôi... làm vật liệu xây dựng. Ông Cao Văn Hoà, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hữu Lũng cho biết: Hằng năm phòng tham mưu UBND huyện gửi văn bản yêu cầu các DN hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm việc khai thác theo các nội dung trong giấy phép khai thác được cấp; thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án được phê duyệt. Đồng thời, phòng phối hợp đôn đốc các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện đầy đủ việc ký quỹ BVMT. Kết quả, hằng năm các DN hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đều thực hiện việc ký quỹ BVMT theo quy định.

Không riêng gì huyện Hữu Lũng, mà hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều thực hiện việc ký quỹ BVMT. Hầu đều tiến hành ký quỹ đầy đủ và đảm bảo tiến độ về thời gian. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong năm 2023, toàn tỉnh có 37 dự án khai thác khoáng sản thuộc diện thực hiện nộp tiền ký quỹ BVMT. Theo đó, các DN đã thực hiện ký quỹ BVMT với tổng số tiền trong năm 2023 là trên 9,1 tỷ đồng, đạt 190,6% so với kế hoạch. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 18 dự án của các đơn vị DN thực hiện ký quỹ BVMT với số tiền trên 3,6 tỷ đồng. Lũy kế tổng số tiền ký quỹ BVMT trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay là trên 79 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện ký quỹ BVMT theo quy định đã góp phần đảm bảo nguồn tài chính trong xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lạng Sơn tăng cường quản lý khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.