Hòa Bình: Huyện Lạc Thủy đồng bộ nhiều giải pháp quản lý tài nguyên khoáng sản

Hồng Trang|07/07/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với nguồn khoáng sản khá dồi dào, đa dạng như, thời gian qua, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã triển khai đồng bộ giải pháp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong thực thi pháp luật về bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ có 19 vị trí mỏ sét, đá sét với tổng diện tích quy hoạch trên 1.245ha, trữ lượng lên tới hàng trăm triệu m3 đã được Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch phục vụ ngành công nghiệp sản xuất xi măng quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 3 mỏ khai thác đá vôi làm VLXD thông thường, gồm: mỏ đá Hang Voi, thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ; mỏ đá Thung Cúc, thôn Sỏi, xã Phú Thành; mỏ đá núi Bụng Cóc, thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm và 1 mỏ khai thác Angtimol ở xã An Bình đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản (KTKS).

khoang-san-1.jpg
Khu vực khai thác mỏ đá tại xóm Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình)

Ngoài các điểm mỏ đã được quy hoạch và cấp giấy phép khai thác, trên địa bàn huyện còn nhiều khu vực có trữ lượng lớn TNKS chưa được khai thác. Trong đó nổi bật là các loại đất phục vụ san lấp và sản xuất gạch, ngói; các mỏ vàng và các loại khoáng sản khác nằm rải rác ở một số địa phương trong huyện. Theo bà Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, trong những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác quản lý, khai thác TNKS; chú trọng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ TNKS; tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản và các quy định pháp luật có liên quan. Chủ động rà soát, tổng hợp các mỏ khoáng sản làm VLXD trên địa bàn, đảm bảo không ảnh hưởng tới các khu vực di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, không để tác động tiêu cực tới sự phát triển KT-XH và môi trường ở địa phương. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thăm dò, KTKS làm VLXD; việc thực hiện các yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, nhất là đối với khoáng sản làm VLXD thông thường như việc khai thác cát, đá và đất san gạt, cải tạo mặt bằng.

Nhờ đó kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm những sai phạm, vi phạm có liên quan đến hoạt động khai thác TNKS trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Điển hình như việc các cơ quan chức năng của huyện lập 4 biên bản yêu cầu các cá nhân, đơn vị chấm dứt việc khai thác đất trái phép xảy ra tại 3 xã: Đồng Tâm, Phú Thành, Yên Bồng; phối hợp Công an huyện kiểm tra, lập biên bản đối với việc khai thác vàng sa khoáng trái phép trên địa bàn thị trấn Ba Hàng Đồi, chủ khai thác là ông Bạch Xuân Hưng, yêu cầu chấm dứt hoạt động, di dời toàn bộ máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực khai thác; lập biên bản đối với hàng chục trường hợp khai thác cát, sỏi, múc đất trái phép...

Ngoài ra, UBND huyện Lạc Thủy cũng giao cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động KTKS trái phép, giám sát việc khai thác theo giấy phép KTKS, giấy phép khai thác đất san lấp đã được cấp của các tổ chức, cá nhân. Từ năm 2019 - 2024, UBND huyện ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực đất đai đối với 1 tổ chức và 4 cá nhân, tổng số tiền xử phạt 205 triệu đồng. Qua đó góp phần đưa hoạt động quản lý, KTKS trên địa bàn huyện đi vào nền nếp, không còn xảy ra các vụ khai thác TNKS trái phép gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hòa Bình: Huyện Lạc Thủy đồng bộ nhiều giải pháp quản lý tài nguyên khoáng sản