Ðể hoàn thành mục tiêu nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tỉnh Thái Nguyên tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về khoáng sản; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý khoáng sản; công khai quy trình hướng dẫn tổng thể thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản trên phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện hiệu quả các quy hoạch về tài nguyên khoáng sản, triển khai việc thẩm định hồ sơ cấp phép về khoáng sản bảo đảm chặt chẽ, đúng trình tự, đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, thành lập hội đồng thẩm định; chú trọng xem xét tính phù hợp, minh bạch trong đầu tư, công nghệ sản xuất, công nghệ khai thác, năng lực tài chính của chủ dự án, biện pháp bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính (ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, nộp phí bảo vệ môi trường theo sản lượng khai thác), đồng thời khuyến khích đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản.
Đối với việc ngăn chặn khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép, trong giai đoạn mới, Thái Nguyên kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý cấp tỉnh và các huyện có nhiều khoáng sản, tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất khu vực thường xuyên để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tỉnh xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi buông lỏng, bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…
Dây chuyền tuyển rửa quặng của Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tại mỏ sắt Tương Lai (huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: THẾ HÀ
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có 142 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, gồm: 42 mỏ kim loại, 11 mỏ than, 3 mỏ khoáng chất công nghiệp, 5 mỏ khoáng sản làm nguyên liệu xi măng và 81 mỏ vật liệu xây dựng thông thường.
Hoạt động khai thác khoáng sản cơ bản đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã nộp ngân sách nhà nước trên 6.300 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động địa phương.
Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở Thái Nguyên còn nhiều tồn tại, nhất là vẫn để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên sông Công, sông Cầu, các suối nhánh thuộc địa bàn huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên.
Một số đơn vị khai thác khoáng sản chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về khoáng sản, khai thác không đúng thiết kế, chậm đưa mỏ vào hoạt động theo đúng tiến độ, chậm hoàn thành việc cấp lại giấy phép khai thác như ở mỏ sắt Trại Cau, mỏ sắt Cây Thị, mỏ than Phấn Mễ..
Thảo Nguyên