Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tại Thanh Hóa - Bài 3: Mảng tối đằng sau những dự án tận thu

Nguyễn Trường|02/07/2024 16:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lợi dụng thủ tục cấp phép tận thu đơn giản, thời gian chấp thuận nhanh, phương pháp khai thác không phức tạp, nên nhiều dự án tận thu đã cố tình làm sai yêu cầu, mục đích ban đầu; ngoài việc không thực hiện đúng các cam kết về môi trường, khai thác sai kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp còn cố tình khai thác ngoài mốc giới làm thất thoát tài nguyên, gây nhiều bức xúc và hoài nghi trong dư luận.

“Bỏ quên” các biện pháp bảo vệ môi trường?

Ngày 18/11/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số: 122/GP-UBND, quyết định cho phép Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP (công ty Anh Phát), mã số doanh nghiệp 2800846807, địa chỉ: 306 đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình Khu công nghiệp Đồng Vàng, Khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo đó, diện tích khu vực khai thác: 21,67 ha thuộc xã Tân Trường và xã Tùng Lâm (Nghi Sơn, Thanh Hóa); khối lượng khoáng sản được khai thác: 1.820.423 m3; phương pháp khai thác: lộ thiên; công xuất khai thác: 600.000 m3/năm; thời hạn khai thác: 36 tháng 12 ngày kể từ ngày ký Giấy phép. UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu công ty Anh Phát thực hiện việc khai thác đảm bảo tiến độ, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường theo quy định và tuân thủ các quy định của ngành giao thông vận tải trong quá trình khai thác, vận chuyển; chịu sự kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm (nếu có) của các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các vi phạm về chở quá khổ, quá tải, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, mất an ninh trật tự trong khu vực, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu trên.

Mục đích cấp phép, yêu cầu khai thác của UBND tỉnh Thanh Hóa dành cho công ty Anh Phát cụ thể là vậy, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thì việc chấp hành các quy định để bảm bảo vệ sinh môi trường của công ty còn khá nhiều bất cập; như việc gây bụi bặm, nhiều xe ra vào lấy đất có dấu hiệu quá khổ quá tải… “Cứ mỗi lần đi qua điểm khai thác của họ, chúng tôi phải che chắn mặt kỹ càng để tránh bụi; nhiều thời điểm, bụi bay mù mịt, trắng xóa, khiến tầm nhìn bi hạn chế, rất dễ xảy ra tai nạn…” – một người thường xuyên tham gia giao thông qua điểm khai thác của công ty Anh Phát, chia sẻ.

anh-11.jpg
Bụi bặm trong quá trình vận chuyển từ dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của công ty Anh Phát, tại KCN Đồng Vàng (Nghi Sơn, Thanh Hóa)

Tiếp nhận thông tin của phóng viên, đại diện phòng quản lý Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra và yêu cầu công ty thực hiện các giải pháp giảm thiểu bụi phát sinh.

anh-12.jpg
Sau khi tiếp nhận thông tin, đại diện phòng quản lý Tài nguyên và Môi trường, Ban QL Khu KTNS và các KCN Thanh Hóa, đã cử cán bộ xuống kiểm tra, yêu cầu công ty khắc phục (ảnh được đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường cung cấp, sau khi chỉ đạo khắc phục)

Vấn đề của công ty Anh Phát cũng là thực trạng chung của nhiều dự án tận thu khi chưa chấp hành đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường trong khai thác. Đặc biệt, ngoài việc gây bụi bặm, nghiêm trọng hơn nữa là công tác hoàn nguyên, khôi phục môi trường đang bị xem nhẹ, thậm chí là phớt lờ; khiến môi trường bị suy thoái, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi tạo nên các điểm sạt lở và hố tử thần. Vấn đề này đang được các cơ quan chức năng quan tâm sát sao và quyết liệt xử lý. Cụ thể mới đây, sau khi có phản ánh của báo chí và dư luận, Sở TNMT Thanh Hóa, trong 2 ngày 14 và 15/5/2024, đã tổ chức Hội nghị, kiểm tra thực tế các khu vực hạ thấp độ cao, cải tạo đất trên địa bàn thị trấn Sao Vàng và xã Xuân Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

anh-13.jpg
Công tác BVMT tại nhiều dự án tận thu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn khá nhiều hạn chế

Theo kết quả từ kết luận số 4491/STNMT-TNKS, ngày 23/5/2024, thể hiện: Công ty TNHH Hùng Quân TH, Công ty TNHH vận tải xây dựng Đăng Khoa, Công ty TNHH Ngọc Sơn Sao Vàng, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Môi trường HD 338, Công ty TNHH vận tải và xây dựng Năm Phong, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Vân Dũng, được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép tận thu đất thừa trong quá trình thi công cải tạo, hạ thấp độ cao để xây dựng nhà ở và trông cây lâu năm trên địa bàn thị trấn Sao Vàng và xã Xuân Phú. Đến nay, thời gian tận thu đất thừa đều đã hết. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra cho thấy, một số đơn vị thi công chưa bạt mái taluy, cắt tầng đảm bảo theo Phương án được chấp thuận (Công ty TNHH Hùng Quân TH, Công ty TNHH vận tải và xây dựng Năm Phong, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Vân Dũng); các đơn vị chưa cung cấp các hồ sơ liên quan đối với việc tận thu đất thừa (văn bản đăng ký thời gian, phương tiện, vận chuyển với chính quyền địa phương, hồ sơ, sổ sách, hóa đơn chứng minh khối lượng đất thừa đã tận thu, công trình tiếp nhận đất thừa; chứng từ nộp thuế, phí liên quan); ngoài ra, một số vị trí giáp ranh với khu vục cải tạo đất được UBND huyện chấp thuận, đã có hiện tượng người dân tự ý cải tạo, san gạt, làm biến dạng địa hình khu đất.

anh-14.jpg
Dự án tận thu trên địa bàn xã Xuân Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa)

Lợi dụng tận thu để khai thác khoáng sản trái phép

Ngày 30/11/2023, đại diện UBND xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) phối hợp với Công an huyện Vĩnh Lộc tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Đầu tư XD&TM Trường Phát (công ty Trường Phát) khai thác tận thu ngoài mốc giới khoảng 300 m2. Ngay sau đó, UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành văn bản 3971/UBND-TNMT về việc tạm dừng hoạt động tận thu khối lượng đất thải tại khu vực vượt ra ngoài phạm vi, ranh giới được cấp phép trong quá trình thi công nạo vét, cải tạo lòng hồ chứa nước Hón Chè, của công ty Trường Phát. Với các hành vi nêu trên, Công an huyện Vĩnh Lộc đã ra Quyết định xử phạt số 108/QĐ-XPHC xử phạt hành chính Công ty Trường Phát số tiền 22 triệu đồng; cụ thể, xử phạt 7 triệu đồng với hành vi vi phạm để mất mốc giới, và xử phạt 15 triệu đồng đối với hành vi khai thác ngoài ranh giới được cấp phép 386,79 m2.

anh-15.jpg
Hiện trạng khu vực hồ Hón Chè (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), thời điểm bị kiểm tra

Sai phạm của công ty Trường Phát cũng là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của các dự án tận thu, khi nhiều doanh nghiệp cố tình làm sai các quy định để trục lợi. Vấn đề này đã được báo chí, dư luận phản ánh nhiều, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để xử lý, tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều bất cập, trăn trở. Một số địa bàn “nóng” về tình trạng này trong thời gian qua: Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thạch Thành,..

Để khắc phục tình trạng nêu trên và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác tham mưu, đề xuất tận thu vật liệu thừa trong quá trình thi công, tại Công văn số 10049/STNMT-TNKS ngày 29/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, đối với khu vực phương án đã được chấp thuận yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo công an huyện, các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn liên quan, tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu quá trình thực hiện phương án đã được cấp thẩm quyền chấp thuận; nghiêm cấm việc lợi dụng tận thu để khai thác khoáng sản trái phép; tuyệt đối trong quá trình thực hiện không được làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực, đảm bảo đúng mục đích sử dụng tận thu đất thừa;…

anh-16.jpg
Việc quản lý đối với các dự án tận thu cần được thắt chặt và quyết liệt hơn nữa

Có thể nói, việc phê duyệt giấy phép tận thu tài nguyên khoáng sản, với mục đích chống sạt lở, hạ thấp độ cao nhằm đảo bảo an toàn, và tạo mặt bằng xây dựng cho người dân; đồng thời để tránh lãng phí nguồn tài nguyên, giúp tăng thu ngân sách cho địa phương là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, để các dự án tận thu đạt được đúng mục đích đề ra, thì cần hơn nữa sự quản lý sát sao, quyết liệt từ các cơ quan chức năng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tại Thanh Hóa - Bài 3: Mảng tối đằng sau những dự án tận thu