Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tại Thanh Hóa - Bài 2: Nỗi lo suy thoái môi trường

Nguyễn Trường|28/06/2024 21:16
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc môi trường bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, sự tác động này cần được kiểm soát ở mức thấp nhất, bởi chúng ta không thể đánh đổi môi trường để lấy kinh tế.

Một xã “gánh” hơn 10 mỏ đá, người dân chỉ biết than trời

Có mặt ở xã Hà Tân (Hà Trung, Thanh Hóa) vào một ngày giữa tháng 6 đầy nắng, phóng viên cảm nhận rõ sự ngột ngạt và bụi bặm ở nơi đây. Con đường liên xã được thiết kế cấp thấp để phục vụ cho giao thông nông thôn, nhưng lại phải gánh hàng loạt xe trọng tải lớn, có dấu hiệu quá khổ quá tải, gây hư hỏng đường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Quá trình di chuyển, phóng viên phải điều khiển phương tiện hết sức chậm rãi và khéo léo, để tránh va chạm và né đi những cơn “bão” bụi do những đoàn xe “3 chân” đang nối đuôi nhau phi ầm ầm trên đường gây nên;… Vào được thôn Nam Thôn 1 và Nam Thôn 2 – khu vực có số lượng mỏ đông đúc của xã Hà Tân, phóng viên không khỏi bất ngờ trước cảnh tượng khai thác đá rầm rộ và quy mô. Phóng tầm mắt qua một vài ô ruộng vừa thu hoạch, là những dãy núi đá dựng đứng, đã bị khai thác nham nhở, với đầy đủ những khuôn hình dị hợm; phía dưới, từng nhà xưởng chế biến đá chạy dài, được đầu tư sơ sài, lụp xụp và nhếch nhác.

anh-18.jpg
Nghề khai thác đá đã có ở Hà Tân từ lâu, tuy mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng cũng khiến môi trường của địa phương bị ảnh hưởng nhiều

“Doanh nghiệp ở địa phương đa phần hình thành từ lâu, nên không được quy hoạch hợp lí, việc đầu tư nhà xưởng, công nghệ cũng chưa được bài bản. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến của các doanh nghiệp còn hạn chế” – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tân Nguyễn Văn Trình chia sẻ.

anh-19.jpg
Bên trong khu vực khai thác, chế biến đá của HTX Công nghiệp Đông Đình, thôn Đô Mỹ, xã Hà Tân

Ông Nguyễn Văn T., người dân thôn Nam Thôn 1, cảm thán: Việc địa phương phải gánh nhiều mỏ, doanh nghiệp khai thác lại rầm rộ và thiếu đi các biện pháp bảo vệ môi trường, đã khiến cho cuộc sống của người dân chúng tôi như bị đảo lộn bởi bụi, tiếng ồn, và nước thải. Nhiều khi, cũng chỉ muốn cho con, cháu thoát ly, để khỏi phải chịu cái cảnh bí bách, mất an toàn này. Chúng tôi biết, địa phương có trữ lượng đá lớn thì phải phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh thôi, nhưng làm cái gì cũng phải có mức độ và đề cao việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của người dân lên đầu, thế mới bền lâu được”.

anh-17.jpg
Bụi bặm do quá trình di chuyển của xe trọng tải lớn gây nên, một trong những vấn đề khiến người dân xã Hà Tân cảm thấy bất an và bức xúc nhất.

Theo thông tin của UBND xã Hà Tân cung cấp, địa phương nằm trong khu vực quy hoạch khai thác khoáng sản của tỉnh Thanh Hóa. Trên địa bàn xã có 13 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản với tổng số 15 mỏ; cụ thể, có 9 mỏ đá xây dựng thông thường hay còn gọi là đá trắng, 6 mỏ đá bazan hay còn gọi là đá xanh. Một số mỏ hình thành từ những năm 90 do các tư nhân tự phát, năm 2007 thực hiện luật khoáng sản, thì các đơn vị có tư cách pháp nhân mới làm thủ tục xin cấp phép và được tỉnh đồng ý.

Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, và sẽ còn tiếp diễn dài, có chăng hạn chế được phần nào khi doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán nan giải cho chính quyền địa phương?!

Vẫn chưa có lời giải khả dĩ cho bài toán môi trường?

Áp lực môi trường mà người dân xã Hà Tân đang phải gánh chịu, cũng là hoàn cảnh chung của người dân các địa phương có sự tập trung số lượng mỏ nhiều, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Có thể điểm tên một số khu vực gặp áp lực lớn về môi trường do khai thác tài nguyên: xã Xuân Phú (Thọ Xuân), Tượng Sơn (Nông Cống), Tân Trường (Nghi Sơn), Bắc Sơn (Bỉm Sơn),… Qua khảo sát, bất cập môi trường của những địa phương này đến từ việc phải tiếp nhận nhiều xe chở đất, đá có trọng tải lớn, nên đường giao thông có dấu hiệu bị xuống cấp; quá trình di chuyển, lượng xe này thường gây cảnh bụi bặm, rơi vãi đất, đá ra đường, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông… Thêm nữa, việc nhiều đơn vị không thực hiện đầy đủ các nội dung của Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, đã khiến môi trường xung quanh các điểm khai thác có dấu hiệu ô nhiễm và suy thoái…

anh-22.jpg
Mối lo về môi trường đến từ các cơ sở khai thác, chế biến đá trên địa bàn Thị trấn Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa)

Thêm một nỗi lo nữa đến từ việc sạt lở đất nông nghiệp, nguyên nhân được cho là do tình trạng khai thác cát trái phép gây nên; tình trạng này xảy ra trên các địa bàn có trữ lượng cát lớn của Thanh Hóa: Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc,… Điển hình, vào tháng 11/2023, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc gây hoang mang, lo lắng cho người dân; UBND huyện Vĩnh Lộc, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký và ban hành Văn bản số 3725/UBND-TNMT, về việc tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản mỏ cát số 18 của Công ty TNHH Minh Chung.

anh-21.jpg
Nạn "cát tặc" trên sông Mã đã khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân sạt lở, cuốn trôi.

Ngoài ra, tình trạng nhức nhối về môi trường do khai thác khoáng sản, còn phải nhắc đến vấn đề doanh nghiệp “bỏ quên” việc hoàn thổ, phục hồi môi trường, tạo nên nhiều hệ lụy xấu cho môi trường và cuộc sống của người dân. Mới đây nhất, UBND huyện Nông Cống đã phải có văn bản chỉ đạo việc xác minh công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác tại xã Thăng Bình; bởi theo như người dân địa phương phản ánh, thì sau khi khai thác, khu vực này đã xuất hiện cơ man vách đất cao dễ sạt lở và hố tử thần; đặc biệt, trước đó, đã có trường hợp trẻ nhỏ bị tai nạn thương tâm bởi sự tắc trách này.

anh-23.jpg
"Hố tử thần" để lại do khai thác đất

Được biết, để khắc phục những tác động tiêu cực do việc khai thác tài nguyên khoáng sản đối với môi trường, Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa, đã tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động tại các mỏ khai thác khoáng sản, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, ban hành các Văn bản gửi các huyện, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu các chủ mỏ nghiêm túc thực hiện các biện pháp an toàn trong khai thác, bảo vệ môi trường. “Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, không để sảy ra sai phạm và ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó, sẽ tổ chức 2 đợt kiểm tra theo kế hoạch được duyệt, một đợt theo kế hoạch số 55/KH-STNMT ngày 17/01/2024 của Giám đốc Sở, kiểm tra 18 mỏ cát, 7 mỏ đất sét; đợt 2 kiểm tra 67 mỏ khai thác đá theo Quyết định số 1400/QĐ-UBND ngày 10/4/2024 của UBND tỉnh về việc phế duyệt Kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng Sản, Sở TNMT Thanh Hóa, cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tại Thanh Hóa - Bài 2: Nỗi lo suy thoái môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.