Bức tranh môi trường nhiều gam màu sáng của tỉnh Thanh Hóa

Nguyễn Trường|09/12/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đươc thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, với nhiều mô hình khác nhau. Bởi vậy, bức tranh về môi trường của địa phương luôn sáng lên những gam màu mới lạ, đáng được tuyên dương và khích lệ.

Từ những ý tưởng hay, cách làm khéo

Về với khu phố Trung Hy, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), thấy rõ sự thay đổi của một vùng quê. Trên những vỉa hè hay các khu đất trống, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước. Những con đường trở nên sạch đẹp, thông thoáng. Ý thức BVMT của người dân được nâng cao và dễ nhận thấy từ những dãy thùng rác màu xanh, được đặt ngay ngắn trước mỗi của nhà. Những thùng rác này được làm từ chất liệu nhựa chất lượng, dung tích thùng rác 60 lít. Bên ngoài thùng rác được in thêm dòng chữ “chung tay bảo vệ môi trường”, để nhắc nhở người dân về ý thức BVMT.

anh-1.jpg
Một góc khu phố Trung Hy, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Được biết, “mô hình thùng rác xanh” được huyện Hoằng Hóa triển khai từ năm 2021, đã mang lại nhiều hiệu quả, giúp thay đổi ý thức BVMT của người dân. Từ thói quen đựng rác sinh hoạt vào trong túi bóng ni lông rồi treo trước cổng nhà hoặc cho vào các thùng, xô chậu cũ không có nắp đậy gây mất mỹ quan và chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đều đã phát động và triển khai thành công mô hình thùng rác xanh; với 61.544 hộ tham gia, tổng số lượng trên 8.800 thùng.

Nhắc đến những cách làm khéo, mô hình hay trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không thể không điểm tên cách xử lý các loại rác thải từ thiên nhiên thành phân vi sinh của Hội nông dân thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Từ nguyên liệu sẵn có và dễ làm như: rơm rạ; các loại cây cỏ, thân cây mía; thân cây sắn; thân, lá cây và gỗ mục... Các hội viên nông dân được hướng dẫn làm phân hữu cơ vi sinh bằng phương pháp ủ hiếu khí ASP, tạo ra phân bón có nhiều vi sinh vật có lợi, cung cấp dinh dưỡng và cải tạo đất hiệu quả.

anh-2.jpg
Cán bộ Hội nông dân thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đang hướng dẫn người dân cách xử lý các loại rác thải từ thiên nhiên thành phân vi sinh

Đây là một hướng đi mới đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau khi thực hiện thành công ở các khu phố trên địa bàn thị trấn Lang Chánh, mới đây, Hội Nông dân thị trấn Lang Chánh đã tổ chức hoạt động chia sẻ kỹ thuật ủ phân vi sinh cho gần 50 hội viên nông dân xã Tân Phúc.

Đến việc hiện thực hóa mục tiêu toàn dân tham gia bảo vệ môi trường

Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết số 05 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường”, tỉnh Thanh Hoá đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác BVMT, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Có thể nói, điểm nổi bật và cũng là thành quả lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa trong công tác BVMT cho đến thời điểm hiện tại, là đã phát động được rộng rãi phong trào toàn dân tham gia BVMT. Hàng loạt mô hình do các hội, đoàn thể được triển khai như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã với mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường"; Tỉnh Đoàn thanh niên duy trì hoạt động Câu lạc bộ "Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường", "Thanh niên bảo vệ dòng sông quê hương", chiến dịch hè tình nguyện, 100% cơ sở đoàn đã tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”...; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 05 không, 03 sạch", phát động phong trào “Mỗi phụ nữ trồng một cây xanh”, xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, hàng rào xanh”; Hội Nông dân triển khai mô hình "Thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư". Các mô hình đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác BVMT.

anh-3.jpg
Hội phụ nữ xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa, tham gia công tác bảo vệ môi trường

Qua thống kê, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết năm 2022 đạt 89%; tỷ lệ đốt 28,45%; tỷ lệ chôn lấp 69,77%; tái chế 41,78%; 100% chất thải y tế nguy hại được thu gom xử lý. Đã có 62/82 cơ sở gây ô nhiễm được rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đạt 83%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 90%. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị xả thải gây ô nhiễm môi trường….

anh-4.jpg
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện tương đối bài bản, mang tính sâu rộng

Có thể khẳng định, thời gian qua, công tác BVMT của tỉnh Thanh Hóa đã được thực hiện tốt, có chiều sâu. Nhật xét này không chỉ được bảo chứng qua những con số, thống kê kể trên, mà còn được đánh giá khách quan từ sự “thay da đổi thịt” trên mỗi làng quê của địa phương này; với những chuyến biến tích cực theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh và quy tụ được sự đồng lòng của người dân, sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Nan giải nguy cơ quá tải bãi rác Đông Nam
    Bãi rác Đông Nam là nơi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ khu vực TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và một số xã của huyện Quảng Xương. Nhiều năm nay, bãi rác luôn trong tình trạng quá tải, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bức tranh môi trường nhiều gam màu sáng của tỉnh Thanh Hóa