Thanh Hóa: Chung sức, đồng lòng, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững

Sơn Hà - Nguyễn Trường|20/11/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo, đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực; đời sống người dân từng bước được cải thiện toàn diện, đưa Thanh Hóa trở thành “điểm sáng” của cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

“Trái ngọt” CTMTQG giảm nghèo bền vững

Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết giữa kỳ CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 1.640 tỷ 539 triệu đồng. Trong đó, Trung ương đã giao 945 tỷ 033 triệu đồng; còn lại 695 tỷ 506 triệu đồng (thực hiện năm 2024 và 2025) chưa được giao. Căn cứ vào nguồn vốn của Trung ương, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định phân bổ 100% kế hoạch vốn cho các đơn vị, địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao vốn chi tiết cho các huyện, các dự án là 915 tỷ 142 triệu đồng, đạt 96,84%; còn lại 29 tỷ 891 triệu đồng chưa giao do chưa phê duyệt được dự án.

Tổng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2023 là 685 tỷ 135 triệu đồng. Trong đó, năm 2021 là 37 tỷ 455 triệu đồng; năm 2022 là 132 tỷ 965 triệu đồng; năm 2023 là 514 tỷ 715 triệu đồng. HĐND, UBND tỉnh đã giao 100% kinh phí sự nghiệp Trung ương phân bổ cho các đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện. Dự kiến năm 2024 và 2025 được Trung ương phân bổ 1.302 tỷ 361 triệu đồng.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển được Trung ương phân bổ năm 2022 và năm 2023 lũy kế đến ngày 30.9.2023 khoảng 410 tỷ 102 triệu đồng/945 tỷ 033 triệu đồng (đạt 43,4% so với kế hoạch vốn). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh cao hơn tỷ lệ giải ngân Chương trình của cả nước (tỷ lệ giải ngân cả nước đạt 36,46%).

mot-goc-dan-cu.jpg
Các hộ nghèo thoát kiếp "lênh đênh"

Kết quả giải ngân vốn sự nghiệp được Trung ương phân bổ năm 2021 đến năm 2023 (vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023) lũy kế đến ngày 25.9.2023 được 138 tỷ 216 triệu đồng/685 tỷ 135 triệu đồng, đạt 20,17%. Trong đó, năm 2021 37 tỷ 455 triệu đồng; năm 2022, 52 tỷ 103 triệu đồng; năm 2023, 48 tỷ 658 triệu đồng...

CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023 đã tập trung vào giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ đó, các gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống và tạo ra các cơ hội để phát triển. Người dân nghèo đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: hỗ trợ vốn kinh doanh, đào tạo nghề, BHYT, miễn giảm học phí cho con em, đặc biệt là giải quyết vấn đề về nhà ở.

Chương trình đã tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu và vùng khó khăn. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm, năm 2023 ước còn 3,49%, bình quân giai đoạn 2022-2023 (theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025) giảm 1,65%/năm, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch (giảm bình quân 1,5%/năm).

Đưa Thanh Hóa trở thành “điểm sáng” của cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững

Với kế hoạch đặt ra đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; việc thực hiện thắng lợi CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng.

trao-tang-bang-khen-cho-tap-the-ca-nhan-co-thanh-tich-xuat-sac-trong-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung.jpg
Trao tặng bằng khen cho tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thanh Hóa đã đặt ra nhiệm vụ trở thành “điểm sáng” của cả nước trong công tác xóa đói giảm nghèo. Với quyết tâm đó, ông Đỗ Trong Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đã khẳng định những việc cần làm của địa phương tại hội nghị sơ kết giữa kỳ CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, Thanh Hóa cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người nghèo và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo; thông tin kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, các cơ chế, chính sách của tỉnh, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện Chương trình; phát huy vai trò các già làng, trưởng bản, trưởng họ và những người có uy tín trong cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của các lực lượng tại cơ sở, trước hết là MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, lực lượng biên phòng, công an, quân sự, giáo viên... trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và từng giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp…

Để hiện thực hóa những mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra cho chương trình xóa đói giảm nghèo, thiết nghĩ Thanh Hóa sẽ còn phải vượt qua nhiều rào cản, khó khăn. Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được; cùng với tinh thần “Giảm nghèo trong thời gian tới bằng trí tuệ, trách nhiệm và cả trái tim” – lời của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, có thể vững tin rằng, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thành công CTMTQG giảm nghèo bền vững, trở thành “điểm sáng” của cả nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Chung sức, đồng lòng, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững