Thanh Hóa: Tháo gỡ “điểm nghẽn”những tháng cuối năm 2023

Sơn Hà|14/10/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong 9 tháng đầu năm 2023, dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng kinh tế tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để "về đích" đúng với mục tiêu đã đề ra, những tháng cuối năm, tỉnh này đang phải đối mặt với nhiều thách thức...

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2023 nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, thảo luận và quyết định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm 2023.

DOANH THU VẬN TẢI TĂNG MẠNH

Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa tại cuộc họp, trong 9 tháng năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 5,5%, sản lượng thủy sản tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 104 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh.

1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chủ trì phiên họp

Trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn về nguồn nguyên, vật liệu, thị trường tiêu thụ, tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm; Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn duy trì sản xuất ổn định, tăng công suất và có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), Nhà máy may xuất khẩu quốc tế CD tại xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy), Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày và giày xuất khẩu của tập đoàn HuaLi (Yên Định)... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,54%, có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng hoặc tương đương với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực dịch vụ, doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 14,2%, tổng lượng khách du lịch tăng 12,4%, tổng thu du lịch tăng 18,9%, vận chuyển hàng hóa tăng 14,8%, vận chuyển hành khách tăng 38,6%, doanh thu vận tải tăng 27,9%.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trên một số lĩnh vực tại Thanh Hóa 9 tháng qua. Cụ thể, trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Thanh Hóa chậm, chưa đảm bảo yêu cầu.

Chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng tuy đã được cải thiện nhưng còn hạn chế, nhất là quy hoạch xây dựng xã. Công tác quản lý trật tự quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập, tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn xảy ra.

Tiếp đến, hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường giảm 30,3%; số doanh nghiệp thông báo giải thể tăng 57,3%, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 20% so với cùng kỳ.

3.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu tại phiên họp

Kết quả thu hút đầu tư vẫn thời gian qua của tỉnh này vẫn còn nhiều hạn chế; chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, các dự án công nghệ cao, hiện đại... Tiến độ triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Cùng với đó, hoạt động thu ngân sách Nhà nước đạt tỷ lệ khá so với dự toán (đạt 81%) nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 27%). Cơ cấu nguồn thu chưa đa dạng, bền vững, phụ thuộc rất lớn vào số thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là thu từ nhập khẩu dầu thô của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở một số địa phương trong tỉnh Thanh Hóa chưa chặt chẽ; một số vướng mắc trong công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát, sỏi lòng sông, đất san lấp vẫn chưa được giải quyết triệt để; tình trạng khai thác sai so với thiết kế, ngoài vị trí mốc giới còn diễn ra...

GỠ 'ĐIỂM NGHẼN"

Tại phiên họp này, các đại biểu xác định nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế là do một số quy định giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý vốn của nhà nước còn thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.

2.jpg
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Trọng Trang trình bày tại phiên họp

Thêm nữa, nhu cầu vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư các dự án hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, trong khi năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế, thiếu các quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Cùng với đó là ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường vốn, tài chính, bất động sản và việc áp dụng chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho năm 2023 được Chính phủ, Quốc hội thông qua, tác động đến kết quả thu ngân sách của tỉnh này.

Đặc biệt, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị tại Thanh Hóa chưa chặt chẽ; năng lực, trách nhiệm công tác và thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức còn chưa cao. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm, sâu sát đối với nhiệm vụ quy hoạch; năng lực của một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn yếu.

Nhiều chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao trong công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư; thiếu quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công trong giải quyết khó khăn, vướng mắc có lúc, có việc còn lúng túng, chưa quyết liệt, năng lực quản lý của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn còn hạn chế...

Vì vậy ngay tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã yêu cầu, những tháng cuối năm 2023, các cấp, các ngành cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về mặt thể chế trong sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động đầu tư công với tinh thần, quyết tâm cao, tư duy mới.

Các đơn vị, ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định đầu tư. Quyết liệt việc đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung hoàn thiện các đề án, chương trình phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa xem xét, phê duyệt. Từ nay đến cuối năm phải cơ bản hoàn thiện các quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết, đặc biệt là quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Tháo gỡ “điểm nghẽn”những tháng cuối năm 2023