Thanh Hóa đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn

Sơn Hà - Nguyễn Trường|27/11/2023 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong năm 2023 tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác phát triển doanh nghiệp (DN); tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và trợ lực phát triển DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngoài việc tăng cường nắm bắt hoạt động, tháo gỡ khó khăn; các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đang tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với số tiền 340 tỷ đồng. Cùng với đó, các ngân hàng đã triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.129 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu 4.376 tỷ đồng; giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay 92.646 tỷ đồng cho 284.227 khách hàng với số tiền lãi miễn cho khách hàng gần 315 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5 đến 2,5%/năm); 8.246 khách hàng vay mới với doanh số cho vay 113.053 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi. Việc cơ cấu nợ và hưởng ưu đãi lãi suất đã tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến hết tháng 6-2023, toàn tỉnh có hơn 5.800 DN có quan hệ với ngân hàng, với dư nợ 48.510 tỷ đồng, chiếm 26,8% tổng dư nợ.

Một trong những chính sách hỗ trợ phát triển DN đang được tỉnh Thanh Hoá triển khai hiệu quả, và được cộng đồng DN đánh giá cao là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân và khởi sự DN cho cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hơn 100 lớp đào tạo bồi dưỡng doanh nhân và khởi sự DN cho hàng nghìn lượt học viên. Năm 2023, tỉnh tiếp tục dành kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng, tổ chức hơn 150 lớp đào tạo, giúp các DN bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức bổ ích, thiết thực về quản trị kinh doanh, phát triển DN.

786.jpg
Nhà  máy  Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đồng thời, Thanh Hoá đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó, mỗi năm tỉnh đều dành hàng chục tỷ đồng để triển khai các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển DN. Nổi bật như các chính sách hỗ trợ đào tạo cho DN; hỗ trợ chuyển đổi số và xây dựng DN công nghệ số; hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới…

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng luôn nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư kinh doanh, chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ DN. Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cũng đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, triển khai chính sách được phân công. Đơn vị đã thực hiện hỗ trợ miễn phí chữ ký số trong năm đầu hoạt động cho 54 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; hỗ trợ miễn phí chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính cho 40 doanh nghiệp; cung cấp miễn phí cẩm nang hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp, quy trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 cho 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh…

Thành lập mới gần 3000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 18.000 tỷ đồng

Đến ngày 14/11/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập mới 2.927 doanh nghiệp (gồm 2.502 công ty trách nhiệm hữu hạn, 412 công ty cổ phần, 13 doanh nghiệp tư nhân), đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới (sau các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh), đạt 97,6% kế hoạch, giảm 7,3% so với cùng kỳ; tổng vốn điều lệ đăng ký 17.739 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ đăng ký đạt 6,1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Trong đó, khu vực các huyện đồng bằng và thành phố Thanh Hóa thành lập mới 1.993 doanh nghiệp, bằng 92,7% kế hoạch; khu vực các huyện ven biển thành lập mới 652 doanh nghiệp, đạt 109,6% kế hoạch; khu vực các huyện miền núi thành lập mới 282 doanh nghiệp, đạt 110,6% kế hoạch; chỉ có 04 địa phương (gồm: thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Ngọc Lặc) có số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lớn, gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 846 doanh nghiệp, chiếm 29,7%; xây dựng 569 doanh nghiệp, chiếm 20%; công nghiệp chế biến, chế tạo 401 doanh nghiệp, chiếm 14,1%.

1234.png
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1

Các doanh nghiệp thành lập mới quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng có 2.627 doanh nghiệp, chiếm 92,3%; quy mô vốn từ trên 10 - 20 tỷ đồng có 108 doanh nghiệp, chiếm 3,8%; quy mô vốn từ trên 20 - 50 tỷ đồng có 69 doanh nghiệp, chiếm 2,4%; quy mô vốn từ trên 50 - 100 tỷ đồng có 26 doanh nghiệp, chiếm 0,91%; quy mô vốn từ trên 100 tỷ đồng có 17 doanh nghiệp, chiếm 0,6%.

Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự kiến tạo việc làm cho khoảng 32.261 lao động, giảm 1,5 lần so với cùng kỳ; trong đó: có 2.708 doanh nghiệp quy mô lao động đăng ký từ 10 lao động trở xuống, chiếm 95,1%; có 119 doanh nghiệp đăng ký trên 10 lao động đến 50 lao động, chiếm 4,2%; có 20 doanh nghiệp đăng ký từ 50 đến 100 lao động, chiếm 0,7%.

Từ đầu năm đến nay, có 813 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, giảm 26,9% so với cùng kỳ (giảm 125 doanh nghiệp). Có 278 doanh nghiệp thông báo chờ thủ tục giải thể, tăng 56,2% so với cùng kỳ (tăng 100 doanh nghiệp); trong đó có 190 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 65,2% so với cùng kỳ (tăng 75 doanh nghiệp).

Có 1.112 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 278 doanh nghiệp, chiếm 25%; xây dựng 193 doanh nghiệp, chiếm 17,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo 178 doanh nghiệp, chiếm 13,5%, đa số các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có quy mô vốn nhỏ dưới 10 tỷ đồng (có 978 doanh nghiệp, chiếm 88%).

Tổng thu ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp năm 2023 ước đạt 7.464 tỷ đồng, chiếm 32,5% tổng thu nội địa, bằng 121,1% dự toán và giảm 2% so với cùng kỳ.

“Chính quyền cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp” – lời khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn tại Lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu toàn tỉnh năm 2023. Với những kết quả đã đạt được, thiết nghĩ, đây không phải là lời hứa “suông”, mà đã trở thành “kim chỉ nam” trong tư duy, hành động của chính quyền Thanh Hóa đối với doanh nghiệp. Hi vọng, với tinh thần, trách nhiệm này, sẽ là sự hỗ trợ thiết thực, là nguồn động lực lớn lao, để các DN tiếp tục phục hồi và phát triển; góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc vào năm 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn