Phát triển vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm lớn của cả nước

Hoàng Anh Thắng|12/12/2023 12:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MTCS - Đẩy mạnh liên kết phát triển, xây dựng khu vực Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm lớn về phát triển công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước, là mục tiêu trọng tâm sau 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển của 3 tỉnh.

Nhiều thành tựu nổi bật sau 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ

Tại hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh tổ chức tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) ngày 10/12, nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực đã được ghi nhận, đánh giá và định hướng phát triển.

1.jpg
Hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Hội nghị được phối hợp tổ chức với chủ trì của lãnh đạo 3 tỉnh gồm ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh. Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.

Hội nghị nêu rõ, trong năm 2022 và 2023, mặc dù bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhìn chung tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh tiếp tục xu hướng phục hồi và có nhiều chuyển biến tích cực; tăng trưởng của 3 địa phương thuộc nhóm khá và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Năm 2020, ghi nhận tỉnh Hà Tĩnh có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 3,98%; năm 2023 ước đạt 8,05% (đứng thứ 15 cả nước). Tỉnh Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 12,51% (đứng thứ 7 cả nước); năm 2023 ước đạt 7,01% (đứng thứ 29 cả nước). Tỉnh Nghệ An có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 9,08% (đứng thứ 22 cả nước); năm 2023 ước đạt 7,14% (đứng thứ 26 cả nước).

2.jpg
Nhận định kinh tế 3 tỉnh vẫn tiếp tục ổn định, góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của các tỉnh ước đạt lần lượt là 7,01%; 7,14% và 8,05%.

Ba tỉnh thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lý dự án đầu tư sau cấp phép. Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị liên quan của 3 địa phương thường xuyên trao đổi, phối hợp trong thu hút, quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hiện cả 3 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư vào khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh theo quy hoạch được duyệt...

Trong phối hợp triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng như dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển, nâng cấp Quốc lộ 1A, cầu Cửa Hội… đã tăng cường phối hợp huy động đa dạng nguồn lực để xây dựng hạ tầng liên kết vùng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển trọng điểm gắn với phát triển cảng nước sâu trong khu vực như: Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp và các vùng phát triển công nghiệp, thương mại theo các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên lĩnh vực công thương, 3 tỉnh đã từng bước đẩy mạnh hợp tác phát triển các ngành công nghiệp, liên kết phát triển thương mại, logistics mà mỗi tỉnh có lợi thế; trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách, định hướng phát triển xuất nhập khẩu; phối hợp kết nối, kêu gọi doanh nghiệp của 3 tỉnh tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử. Lĩnh vực nông nghiệp chú trọng nhiều chính sách như tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp công nghệ cao; các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các địa phương thường xuyên trao đổi thông tin, cung cấp danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các quy định của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để các tỉnh cùng phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm...

Lĩnh vực du lịch đã triển khai kết nối các tour du lịch trải nghiệm Thành Nhà Hồ - Khu di tích Kim Liên - Khu du lịch biển Thiên Cầm và liên kết các địa chỉ du lịch của 3 tỉnh và các giá trị văn hóa, truyền thống; cùng tham gia nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch, trưng bày các ấn phẩm du lịch, giới thiệu các danh lam thắng cảnh và các sản phẩm OCOP tiêu biểu... Trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, quốc phòng - an ninh cũng đã được 3 tỉnh triển khai mạnh mẽ, sâu rộng các hoạt động hợp tác.

Đẩy mạnh chiều sâu theo nguyên tắc “Chia sẻ - Liên kết - Hợp tác cùng phát triển”

Hội nghị nhận định, nhiệm vụ chiến lược của 3 tỉnh là trọng tâm về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo. Tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định định hướng, mục tiêu phát triển của 3 tỉnh trên cơ sở phát triển công nghiệp là yếu tố cốt lõi.

kkt-nghi-son.jpg
Khu kinh tế Nghi Sơn, điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế vùng của ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.

Ngoài ra, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh...đều xác lập, phát huy vai trò, vị trí, thế mạnh của mỗi tỉnh, tạo cơ sở hình thành các liên kết vùng, liên kết ngành giữa 3 địa phương, mà trọng tâm là công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; đem lại động lực mới cho sự phát triển.

Đến nay cả 3 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư vào khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh theo quy hoạch được duyệt...

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa chúc mừng những thành tựu quan trọng mà 3 tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2023, một năm có rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cả 3 tỉnh đều có những bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Ông Hưng nhấn mạnh, việc hợp tác và liên kết 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là đúng hướng. Trên cơ sở nội dung bản ký kết, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cùng với 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đẩy mạnh hợp tác kết cấu hạ tầng, du lịch, văn hóa, chăm sóc sức khỏe mà mỗi địa phương có thế mạnh. Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ ủng hộ, đồng hành với những sáng kiến, đề xuất của tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh về liên kết vùng, đặc biệt là giữa vùng Nam Thanh, Bắc Nghệ và Nam Nghệ An, Bắc Hà Tĩnh và việc liên kết các vùng trọng điểm của 3 địa phương; cùng nhau hợp tác, chia sẻ thông tin, những kinh nghiệm trong quá trình phát triển.

Ông Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng , Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, chia sẻ, với những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, 3 tỉnh cần tiếp tục hợp tác để phát triển du lịch và xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối giữa 3 tỉnh. Cùng với đó cần liên kết với các địa phương có cảng biển lớn để chia sẻ nguồn hàng xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ cảng biển, logistics. Một đặc điểm chung nữa là 3 tỉnh có biên giới dài với nước bạn Lào, vì vậy cần khai thác để phát triển du lịch, phát triển kinh tế Đông Tây, vùng Đông Bắc Thái Lan và nước bạn Lào. Năm 2024 tỉnh Hà Tĩnh nhận đăng cai hội nghị, rất mong lãnh đạo 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ để cùng nhau phát triển.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu về chính trị và kinh tế. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tác động của yếu tố thị trường, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, diễn biến phức tạp, xung đột quân sự các khu vực trên thế giới... song, sản xuất công nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh vẫn tiếp tục ổn định và từng bước phát triển, góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của các tỉnh ước đạt lần lượt là 7,01%; 7,14% và 8,05%.

7.jpg
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn, chiến lược hợp tác phát triển kinh tế sẽ tạo các hành lang kinh tế quan trọng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh của mỗi tỉnh, 3 tỉnh đã xây dựng, củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác, cùng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp. Nhiều sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã sử dụng các sản phẩm, nguyên, nhiên liệu đầu vào của tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh và ngược lại. Góp phần để 3 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết phát triển, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư và sớm trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước.

Trước hết phải tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông trong vùng, hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, mở rộng không gian phát triển. Quan tâm đầu tư, phát triển kết nối hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu vực Cảng Nghi Sơn, Cảng Cửa Lò, Cảng Sơn Dương - Vũng Áng và dịch vụ logistic, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của 3 tỉnh và các tỉnh lân cận thông thương hàng hóa và xuất, nhập khẩu.

Phối hợp cơ cấu lại ngành công nghiệp, phân bổ không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Bức tranh môi trường nhiều gam màu sáng của tỉnh Thanh Hóa
    Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đươc thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, với nhiều mô hình khác nhau. Bởi vậy, bức tranh về môi trường của địa phương luôn sáng lên những gam màu mới lạ, đáng được tuyên dương và khích lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm lớn của cả nước