Nghệ An bố trí nguồn lực quyết liệt không để dịch tả lợn châu Phi lây lan kéo dài

Lan Hạ|10/11/2023 09:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với quyết tâm không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài và phát sinh ổ dịch mới, Nghệ An sẽ bố trí mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống; thành lập các chốt kiểm soát tại các trục đường chính, triển khai khử trùng phương tiện, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm với bệnh dịch tả lợn châu Phi ra vào vùng dịch.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trong ngày 7/11 vừa qua, ngay sau khi có thông tin người dân vứt xác lợn xuống kênh, mương, dòng chảy trên kênh đào đoạn qua huyện Yên Thành, Chi cục đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng III, tiến hành kiểm tra hệ thống kênh đào từ đầu nguồn (giáp huyện Đô Lương) chảy qua các xã của huyện Yên Thành.

9-dich.png
Khu vực có dịch tả lợn Châu Phi được căng biển và rải vôi bột khử trùng để cảnh báo cho các phương tiện qua lại 

Cùng đó, UBND huyện Yên Thành đề nghị cộng đồng dân cư cùng chung tay để phát hiện, khai báo với chính quyền địa phương qua đường dây nóng của UBND các xã, thị trấn các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường, kênh, mương; chỉ đạo UBND các xã thường xuyên kiểm tra, phát hiện xác động vật thì tiến hành tiêu hủy. Xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường, bán chạy động vật ốm, chết, cố tình làm lây lan dịch bệnh.

Theo thống kê, Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn và đa dạng các loại vật nuôi trong đó riêng đàn lợn có hơn 981 nghìn con, tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua đã xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳ Hợp và mới đây tại huyện Đô Lương đã xuất hiện vài ổ dịch nhỏ lẻ.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân do điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, sau thời gian mưa lụt mầm bệnh phát tán rộng.

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại nhiều địa phương và thực trạng xác lợn vứt trên các dòng chảy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, không để dịch lây lan kéo dài.

Thời gian tới, Nghệ An sẽ bố trí mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài và phát sinh ổ dịch mới. Thành lập các chốt kiểm soát tại các trục đường chính, triển khai khử trùng phương tiện, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm với bệnh dịch tả lợn châu Phi ra vào vùng dịch.

Đối với các địa bàn chưa xuất hiện dịch, tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu năm 2023 đảm bảo đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn. Chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch mới phát sinh; báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh từ cơ sở đến cấp xã, huyện, tỉnh theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An sẽ kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn về việc thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và giao cho các địa phương hoàn thành các thủ tục, hồ sơ.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp cho các địa phương 12.500 lít hoá chất để phun khử trùng bao vây vùng dịch. Cùng đó, phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, do điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, gặp thời điểm mưa lụt kéo dài đã phát tán.

Sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng chức năng nên đến nay, tình hình dịch tại một số địa phương đã được khống chế. Điển hình như tại huyện Diễn Châu, cuối tháng 10 có 10 xã nhiễm dịch thì nay còn 7 xã có dịch; tại huyện Quỳ Hợp, hiện có 2 xã là Châu Quang và Đồng Hợp đang dịch cũng được khoanh vùng, khống chế không để lan ra các xã xung quanh. Tại huyện Yên Thành, dịch xảy ra tại 13 xã nhưng chủ yếu là ở các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu huỷ không tăng nhiều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nghệ An bố trí nguồn lực quyết liệt không để dịch tả lợn châu Phi lây lan kéo dài
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.