Thanh Hóa: Vi phạm Luật bảo vệ môi trường Công ty Thành Phát bị "sờ gáy"

Sơn Hà|30/10/2023 12:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm của Công ty Thành Phát trong việc bảo vệ môi trường, như: không thu gom chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định; một số hạng mục công trình hồ lắng, bãi thải, ao lắng, rãnh thoát nước bố trí chưa đúng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định....

Mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty TNHH sản xuất VLXD Thành Phát (Công ty Thành Phát) đi vào hoạt động chính thức từ năm 2015 với quy mô khai thác (Theo Giấy phép khai thác khoáng sản và báo cáo ĐTM) là 30.000 m3 đá vật liệu xây dựng/năm; 1 dây chuyền nghiền sàng đá 1x2, 3x4, 4x6… Thời hạn khai thác 10 năm từ ngày 27/10/2015 trên diện tích 3,3 ha (khu khai thác 1,9477 ha, khu khai trường diện tích 1,3626 ha). Ngoài ra, Công ty có thuê thêm 6.825,9 m2 để xây dựng văn phòng và các công trình phụ trách.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại mỏ đá vôi của công ty Thành Phát. Kết quả kiểm tra đã chỉ ra nhiều sai phạm của công ty này.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang khai thác trong phạm vị được cấp phép; hiện trạng, mốc giới bị mất và vùi lấp không rõ vị trí; không thu gom chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định; một số hạng mục công trình hồ lắng, bãi thải, ao lắng, rãnh thoát nước bố trí chưa đúng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định; thiếu giấy phép môi trường theo quy định tại khoản 2, Điều 39; khoản 3, Điều 41 và khoản 2, Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và khoản 4 Điều 28, Điều 29 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ. Với những lỗi vi phạm trên, Công ty Thành Phát bị xử phạt số tiền 30 triệu đồng. Đồng thời công ty này phải thực hiện khắc phục các lỗi vi phạm.

z4808370053720_91117eb83054952b4ade83445ad24ec1.jpg
Khu vực khai thác của Công ty Thành Phát

Thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực mỏ đá của Công ty Thành Phát vẫn có dấu hiệu tồn tại một số bất cập liên quan đến môi trường trong việc xây dựng các công trình hồ lắng, bãi thải, rãnh thoát nước chưa được giải quyết dứt điểm. Đây không chỉ là “điểm yếu” của không chỉ riêng công ty này, mà còn là “căn bệnh” kéo dài nhiều năm qua tại Cụm công nghiệp Vực, chưa tìm được “liều thuốc” đặc trị.

Bởi, theo thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, Cụm công nghiệp Vức có 98 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động, gồm: 93 cơ sở hoạt động tại phường An Hưng, xã Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa và 5 cơ sở hoạt động tại xã Đông Quang, huyện Đông Sơn.

z4808370061830_6d14eea71fa64832137f43672e13f8f1.jpg
Nguồn nước tại Sông nhà Lê đoạn qua Cụm Công nghiệp có dấu hiệu ô nhiễm.

Do đặc thù về ngành nghề hoạt động chủ yếu là khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, sản xuất bê tông tươi..., nên Cụm công nghiệp Vức phát sinh nhiều bụi, dẫn đến một số chỉ tiêu về môi trường bị ô nhiễm; cùng với cường độ vận chuyển nguyên vật liệu nhiều, tải trọng phương tiện vận chuyển lớn dẫn đến hạ tầng kỹ thuật giao thông tại Cụm công nghiệp Vức bị hư hỏng nặng. Tại khu vực cụm công nghiệp này, có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước tại một số đoạn sông nhà Lê, nhất là tại khu vực gần cầu Trắng đang bị ô nhiễm bởi chất rắn lơ lửng có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái dưới nước.

Tại Cụm công nghiệp Vức và khu vực lân cận có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi bụi; một số đơn vị sản xuất bê tông nhựa nóng có phát sinh thêm các loại khí như CO, NO2. Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã đo đạc, lấy mẫu và phân tích chất lượng không khí tại 7 vị trí trong Cụm công nghiệp Vức và một số khu dân cư lân cận vào các thời điểm khác nhau; kết quả cho thấy không khí trong Cụm công nghiệp Vức có chỉ tiêu bụi vượt quy chuẩn từ 4,1 đến 10,69 lần và tại một số khu dân cư gần cụm công nghiệp có chỉ tiêu bụi vượt quy chuẩn từ 1,86 đến 3,87 lần.

z4733636424626_5ad5c6de080476e4cc66aecd09e2d17f.jpg
Xưởng xẻ đá chưa có rãnh thoát nước theo quy định

Về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn tại cụm công nghiệp này, hiện nay đất đá thải, bột đá đang chất đống ở trong và xung quanh khuôn viên các cơ sở, doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp chưa bố trí khu vực bãi thải hoặc có bố trí nhưng không đảm bảo quy định theo hồ sơ môi trường được phê duyệt.

Về hạ tầng giao thông trong Cụm công nghiệp Vức bị ảnh hưởng và xuống cấp nghiêm trọng, nền đường và mặt đường bị sụt lún, sạt lở tạo ra nhiều ổ voi, ổ gà...Gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhưng trong nhiều năm qua tuyến đường này chưa được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cũng đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 9 cơ sở trong Cụm công nghiệp Vức, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt 275 triệu đồng.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Hà Việt Bắc, Chủ tịch UBND xã Đông Vinh, cũng rất trăn trở với vấn đến trên. “Việc phản ánh của báo chí về một số bất cập trong thực hiện bảo vệ môi trường của Công ty Thành Phát là đúng. Không chỉ công ty này, mà Cụm công nghiệp Vức một điểm nóng về môi trường mà báo chí, dư luận đã phản ánh suốt thời gian qua, tỉnh cũng đã có những chỉ đạo khắc phục. Tuy là cụm công nghiệp, nhưng Cụm công nghiệp Vức không được đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung, đường điện hay đường xá, gây nên những áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp, vì tiềm lực kinh tế của họ có hạn rất khó để tự xây dựng các công trình trênông Bắc cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Vi phạm Luật bảo vệ môi trường Công ty Thành Phát bị "sờ gáy"