Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 82 cơ sở nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm: 23 bệnh viện, 45 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), 07 khu chứa và chôn lấp rác thải, 1 hồ trong đô thị, 01 khu vực ô nhiễm xăng dầu và 05 làng nghề. Đến nay, có 62/82 cơ sở, khu vực đã được xử lý triệt để ô nhiễm và rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các dự án sau khi triển khai thực hiện đã được bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng đất vào các mục đích công ích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Đối với các điểm tồn lưu hóa chất BVTV, 27 điểm đã được điều tra, đánh giá đưa ra khỏi danh mục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 5 điểm tồn lưu được đưa vào nhiệm vụ điều tra, đánh giá chi tiết và lập phương án xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đất trên địa bàn tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ tại Quyết định số 1963/QĐ-UBND ngày 7-6-2022.
Ngoài ra, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại và chất thải rắn y tế cũng được tỉnh, ngành, đơn vị chức năng quan tâm thực hiện hiệu quả. Qua thống kê, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh tính đến hết năm 2022 đạt 89%; tỷ lệ đốt 28,45%; tỷ lệ chôn lấp 69,77%; tái chế 41,78%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 bãi chôn lấp rác thải và 26 khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt.
Tại Khu kinh tế Nghi Sơn cũng như các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã có 4 chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung cho toàn bộ dự án hoặc theo từng modun (theo tỷ lệ lấp đầy KCN), bao gồm: Trạm xử lý nước thải công suất 1.300m3/ngày đêm tại KCN Lễ Môn; Nam Khu A - KCN Bỉm Sơn, công suất 1.500m3/ngày đêm; Bắc Khu A - KCN Bỉm Sơn, công suất 6.000m3/ngày đêm; Khu B - KCN Bỉm Sơn, công suất 490m3/ngày đêm…