Thanh Hóa: Dân “than trời” vì xe chở đất gây ô nhiễm môi trường ở Hà Trung

Nguyễn Trường - Sơn Hà |19/05/2023 11:51
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chưa đầy 2 năm kể từ khi đi vào hoạt động nhưng Công ty CP GT Phúc Đức tại xã Hà Tiến (Hà Trung, Thanh Hóa) liên tục gây bức xúc trong nhân dân vì điểm khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân dọc tuyến đường.

Hà Trung (Thanh Hóa): Người dân “than trời” vì xe trọng tải lớn “lộng hành”, gây ô nhiễm môi trường

Được đánh giá là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, những năm qua công tác khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, cho thấy vẫn còn một số đơn vị khai thác mỏ chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành, dẫn tới một số sai phạm như: Khai thác ngoài vị trí mỏ được cấp; Khai thác vượt công suất; Chưa hoàn thành đầy đủ các thủ tục liên quan đến môi trường; Việc lắp đặt trạm cân còn hạn chế; Quá trình khai thác, vận chuyển làm ảnh hưởng đến môi trường, đường giao thông,…

son-1.jpg
Hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty CP GT Phúc Đức có dấu hiệu vượt ra ngoài cột mốc cho phép

Nhằm tìm hiểu về việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống (Moitruong.net.vn) thực hiện chuyên đề: “Bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản: Góc nhìn thực trạng và giải pháp từ địa bàn huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa”.

Chuyên đề đã tập trung khảo sát, nghiên cứu, thu thập tư liệu và tiến hành thực địa tại một số địa phương trên cả nước, trong đó có huyện Hà Trung (Thanh Hóa) - một trong những địa phương được đánh giá có nhiều hoạt động về khai thác khoáng sản của tỉnh Thanh Hóa.

Cuộc sống bị đảo lộn bởi bụi, tiếng ồn

Trong số các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Hà Trung, Công ty CP GT Phúc Đức (Công ty Phúc Đức – pv) bị nhiều người dân kêu ca, phàn nàn nhất. Chỉ mới đi vào khai thác chưa đầy 2 năm, nhưng điểm khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp của Công ty Phúc Đức tại xã Hà Tiến (Hà Trung, Thanh Hóa) liên tục gây nên những bức xúc trong nhân dân với việc không chấp hành đúng Luật bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

son-3.jpg
Mỗi khi có đoàn xe chạy qua, đất đá lại làm rơi xuống đường, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông

Phản ánh về khói bụi và tiếng ồn do xe trọng tải lớn chở đất đá chạy qua tuyến đường dân sinh này, đa phần người dân đều rất bức xúc. Một người dân ở xã Hà Tiến, cho biết: “Nhà tôi mở quán cắt tóc ven đường, lúc nào cũng phải mở cửa, mà chỉ được một lúc là bụi phủ trắng xóa biển hiệu, ghế ngồi, nên cứ phải lau chùi suốt. Đóng cửa thì đỡ bụi nhưng thế thì còn cắt tóc cho ai?”

Một người dân khác ở xã Hà Tiến, không giấu nỗi sự bức xúc: “Tình trạng xe chở đất đá cày nát đường diễn ra gần 2 năm nay rồi, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Đường bị xuống cấp, dày kịt những ổ voi, ổ gà; ngày nắng thì bụi bặm, mưa thì trơn trượt. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, thậm chí là chết người khiến người dân chúng tôi không khỏi hoang mang,..”

Có mặt tại con đường xe chở đất đá của Công ty Phúc Đức vẫn chạy qua, PV Moitruong.net.vn thấy những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Con đường chạy qua xã Hà Tiến bị xuống cấp nghiêm trọng với chằng chịt những ổ voi, ổ gà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người đi đường. Mỗi lần có xe trọng tải lớn chạy qua, bụi bay mù mịt, che khuất tầm nhìn, rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia khi đi qua tuyến đường này.

Theo chân đoàn xe chở đất trọng tải lớn, PV đã tìm được nơi các xe tải vào “ăn đất” là khu vực mỏ đất tại xã Hà Tiến do Công ty Phúc Đức đang khai thác. Tại đây, chỉ trong hơn 15 phút tác nghiệp, PV ghi nhận hàng chục xe trọng tải lớn đang lũ lượt vào lấy đất cùng một số xe tải khác đang ì ạch “cõng” đất di chuyển ra. Điều đáng nói là trong khi các xe tải liên tục ra vào vận chuyển đất nhưng các hoạt động hạn chế bụi và kiểm soát trọng tải như: lắp trạm cân, tưới nước phun ẩm mặt đường và làm sạch thân xe,… đều không được thực hiện. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng xe chở quá tải và “cõng” đất từ khu mỏ ra đường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân dọc tuyến đường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Đặc biệt, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên ghi nhận việc Công ty Phúc Đức đang có dấu hiệu khai thác ngoài mốc giới với diện tích khá lớn, rất cần sự vào cuộc xác minh từ phía các cơ quan chức năng…

Doanh nghiệp từng nhiều lần bị nhắc nhở

Đem những điều “mắt thấy, tai nghe” về quá trình khai thác đất của Công ty Phúc Đức ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, trao đổi với lãnh đạo xã Hà Tiến, PV Moitruong.net.vn nhận được câu trả lời không gì chân tình hơn từ vị Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tiến Tống Văn Đoàn. Ông Đoàn chia sẻ: “Quá trình hoạt động của doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hướng ít hay nhiều đến cuộc sống của người dân thôi. Chắc chắn chỗ nào cũng vậy. Những tác động, ảnh hưởng đó thì người dân đã đề xuất, chúng tôi cũng đã làm việc với công ty rồi, họ cũng giải quyết rồi. Chúng tôi cũng đã kiểm tra thường xuyên theo chức năng quản lý nhà nước; yêu cầu đường chỗ nào xuống cấp phải tu sửa lại, tưới nước thường xuyên, cử người dọn dẹp đất rơi vãi,…”

Ông Mai Văn Pháp, Trưởng thôn 1 (Yên Phú), xã Hà Tiến, bức xúc: “Thôn cũng đã phản ánh nhiều lần lên chính quyền. Sau những lần phản ánh đó, chính quyền cũng về kiểm tra, xác minh, yêu cầu doanh nghiệp phải có những biện pháp khắc phục như đổ đá vá đường, thường xuyên tưới nước, nhưng môi trường vẫn còn bẩn lắm. Trước đó cũng có đã có tai nạn chết người do đất cát rơi vãi ra đường gặp trời mưa gây trơn trượt, còn các vụ tai nạn gây xây xước, trầy da thì nhiều lắm;…”

son-2.jpg
Những vụ tai nạn giao thông vì trơn trượt do đất đá theo xe tải từ mỏ ra, văng xuống đường vẫn thường xuyên xảy ra trên tuyến đường này

Qua tìm hiểu, PV Moitruong.net.vn được biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty Phúc Đức hoạt động khai thác khoáng sản được gần 2 năm nhưng liên tục gây nên những bức xúc trong nhân dân. Dân kêu ca phàn nàn, báo chí phản ánh, chính quyền địa phương vào cuộc song những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường, Luật khai thác khoáng sản, Luật an toàn giao thông của công ty này vẫn chưa được khắc phục, xử lý triệt để.

Được biết, Công ty Phúc Đức (mã số doanh nghiệp: 2802473847 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp, có địa chỉ tại số 64 Hạc Thành, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại xã Hà Tiến, theo Quyết định Số: 121/GP-UBND, ngày 23/7/2021. Quyết định nêu rõ: Diện tích mỏ 11 ha; mức sâu khai thác: thấp nhất +15 m; trữ lượng địa chất: 710.201 m3; trữ lượng khai thác: 660.417 m3; công suất khai thác: 180.000 m3/năm; Thời gian khai thác 4 năm kể từ ngày ký Giấy phép.

Bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản nói riêng đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, là mối quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền công nghiệp mỏ phát triển. Việt Nam cũng như các nước đang phát triển là những quốc gia có nhu cầu rất lớn về tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản hiện nay đang được xã hội hóa với tốc độ cao, vì vậy cần thiết phải có hành lang pháp lý vững chắc và môi trường đầu tư an toàn trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, cũng như về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.

Theo Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường sau đây:

+ Thu gom, xử lý nước thải theo quy định;

+ Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn;

+ Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh;

+ Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về khoáng sản;

+ Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Ngang nhiên xẻ rừng phi lao làm khu du lịch “chui”, môi trường ven biển Hoằng Hóa bị đe dọa
    Hàng loạt công trình trái phép mọc lên trên diện tích khoảng 10.000m2 để kinh doanh các dịch vụ du lịch, bất chấp sự ngăn cản của chủ đầu tư dự án là tình trạng đang diễn ra tại khu rừng phi lao trên 10 năm tuổi, có chức năng chắn nạn cát bay, chắn gió và chống tình trạng biển xâm thực vào đất liền mỗi khi mùa bão lũ đến ở bờ biển hoang sơ thuộc địa phận Đại Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Dân “than trời” vì xe chở đất gây ô nhiễm môi trường ở Hà Trung