Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tại Thanh Hóa - Bài 1: Nguồn lực dồi dào để thúc đẩy nền kinh tế

Nguyễn Trường|19/06/2024 00:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thanh Hóa, với nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, có trữ lượng dồi dào, đã tận dụng tốt lợi thế này để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với 28 loại khoáng sản khác nhau, địa phương này đã đưa lĩnh vực khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng trở thành thế mạnh; với việc duy trì gần 500 doanh nghiệp, hơn 15.000 lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương gần nghìn tỷ đồng/năm.

Nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, giàu tiềm năng

Thanh Hoá là một trong số ít các tỉnh ở nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hóa cung cấp, đánh giá khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, kết quả đã phát hiện 28 loại khoáng sản; bao gồm: kim loại sắt và hợp kim sắt, kim loại màu và kim loại hiếm, nguyên liệu hóa chất – phân bón, nguyên liệu cho sản xuất sành, xứ, thủy tinh và vật liệu xây dựng, nhiên liệu,… Những loại khoáng sản kể trên phân bố rải rác khắp các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: mỏ sắt Thanh Kỳ (Như Xuân) với trữ lượng 2,5 triệu tấn, mỏ sắt – mangan Cổ Định trữ lượng 9 triệu tấn; mỏ cao lanh với trữ lượng 5 triệu tấn ở Bến Đìn, Làng Càng (Thường Xuân), làng En (Lang Chánh), Kỳ Tân (Bá Thước), Quyền Cây (Bỉm Sơn); quặng puzolan ở Thăng Long (Nông Cống), trữ lượng 4,7 triệu tấn;… Ngoài ra, Thanh Hoá còn một số loại khoáng sản khác: thạch anh tinh thể ở Thường Xuân; đá quý như topa, canxedoan, berin ở Thường Xuân; graphit ở Quan Hoá; nước khoáng ở một số điểm thuộc các huyện Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh và Quan Hoá…

anh-2.jpg
Nguồn tài nguyên khoáng sản của Thanh Hóa đa dạng, phân bố rộng, giàu tiềm năng

Đặc biệt, Thanh Hóa có một trữ lượng dồi dào đối với loại tài nguyên khoáng sản như đá vôi, đất sét làm xi măng, cromit và nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Thông tin từ Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TNMT Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 15 Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép còn hiệu lực; 317 Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực. Cụ thể, có: 216 Giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 43 Giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp và khoáng sản đi kèm; 29 Giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường; 22 Giấy phép khai thác đất sét làm gạch tuynel; 03 Giấy phép khai thác quặng photphorit, đồng, sắt; 04 Giấy phép khai thác đá sét kết, bột kết làm gạch men.

anh-1.jpg
Trong nhóm tài nguyên khoáng sản của Thanh Hóa, thì nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có trữ lượng lớn; đã, đang đáp ứng khá tốt nhu cầu của các dự án trọng điểm.

Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023, trong đó đã tích hợp 557 mỏ vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đất làm vật liệu làm vật liệu xây dựng thông thường có 233 mỏ, diện tích khoảng 2.469 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 235 triệu m3; trong đó: đất san lấp: có 156 mỏ với tổng diện tích khoảng 1.659 ha, trữ lượng trữ lượng tài nguyên dự báo 183 triệu m3; đất đắp đê: có 17 mỏ; diện tích 369 ha; trữ lượng 26 triệu m3; đất sét sản xuất gạch: có 60 mỏ, diện tích 441 ha; trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 26 triệu m3; đá làm vật liệu xây dựng thông thường: Có 187 mỏ, khu mỏ, với tổng diện tích 3.976 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 652 triệu m3. Mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ TNMT phân cấp có 13 mỏ, với tổng diện tích 146 ha, trữ lượng khoảng 649.351 tấn; cát làm vật liệu xây dựng: có 124 mỏ, điểm mỏ; với tổng diện tích 571 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 18 triệu m3.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Với việc có nguồn khoáng sản dồi dào và được phân bố hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố, đã thúc đẩy ngành sản xuất vật liệu xây dựng tại Thanh Hóa phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo dữ liệu của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, thời điểm phát triển mạnh, vào năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tới 562 đơn vị khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, gồm: xi măng, gạch nung tuynel, gạch không nung, gạch ốp lát, tấm lợp fibro xi măng, đá ốp lát, vôi, cát nghiền, đá xây dựng, cát xây dựng, đất san lấp, đất sét gạch... Giá trị sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào thời điểm đó đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Sản phẩm vật liệu xây dựng đa dạng về mẫu mã; sản lượng sản xuất hàng năm đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh, có xuất bán ra tỉnh ngoài và xuất khẩu. Thời điểm hiện tại, do nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn, ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở Thanh Hóa đã phải thu hẹp đi một phần để chống chọi, chỉ còn hơn 15.000 lao động thu nhập ổn định.

anh-3.jpg
Ngành sản xuất vật liệu xây dựng tại Thanh Hóa đã thể hiện khá tốt vai trò của mình, góp một phần không nhỏ vào sự chuyển dịch của nền kinh tế. 

Mặc dù gặp khó, nhưng những đóng góp của ngành sản xuất vật liệu xây dựng Thanh Hóa cho ngân sách địa phương vẫn không hề nhỏ. Số liệu cập nhật năm 2023 thể hiện, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nộp ngân sách nhà nước 509,9 tỷ đồng, bao gồm: tiền cấp quyền khai thác 151,1 tỷ đồng; thuế tài nguyên 215 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 11,1 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 119,7 tỷ đồng; ký quỹ môi trường 13 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản trên địa bàn Thanh Hóa đã thực hiện chế biến, xuất khẩu các loại khoáng sản với khối lượng 2,14 triệu tấn đá vôi, 62.105 tấn đá xây dựng, 4,1 triệu tấn xi măng, 400.709 tấn clinke, 6.407 tấn bột đá trắng…nộp thuế xuất khẩu 190,697 tỷ đồng.

anh-5.jpg
Nếu tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, Thanh Hóa sẽ có nhiều hơn nữa những động lực để thúc đẩy nền kinh tế. 

Thêm một đóng góp nữa từ các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, mà cụ thể là khai thác đất, cát làm vật liệu san lấp, đó là đã góp phần không nhỏ vào việc đúng tiến độ của các dự án trong điểm của tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian qua. Có thể điểm qua một vài thông tin để chứng minh nhận định trên. Từ năm 2020 đến nay, Thanh Hóa đã liên tiếp triển khai các dự án lớn, như cao tốc Bắc – Nam, Tuyến đường bộ ven biển phía Đông, các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn, Lam Sơn Sao Vàng,… Theo tính toán sơ bộ từ Tờ trình Số: 136/ TTr-UBND, ngày 16/9/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa, về Đề nghị thông qua dự án “Điều chỉnh, bổ sung các Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã phê duyệt trước ngày 1/1/2019”, thì riêng khối lượng đất san lấp để thi công các công trình kể trên, đã phải trên 32,0 triệu m3. Bởi vậy, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời khối lượng đất kể trên là nỗ lực rất đáng ghi nhận của địa phương.

Việc phát huy được thế mạnh từ sự đa dạng, dồi dào của nguồn tài nguyên khoáng sản, đã mang lại cho Thanh Hóa nhiều động lực và lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn tới, khi tốc độ phát triển kinh tế tăng nhanh, thiết nghĩ vai trò của lĩnh vực này sẽ càng được thể hiện rõ; vấn đề là địa phương phải làm sao để khai thác hợp lí và sử dụng có hiệu quả nguồn lực sẵn có.

Bài liên quan
  • Giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa - Bài 1: Xu thế và cơ hội
    Là một quốc gia có diện tích sản xuất lúa nước lớn và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, việc chuyển sang phương thức canh tác lúa giảm phát thải được đánh giá là một trong những giải pháp tiềm năng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030, đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tại Thanh Hóa - Bài 1: Nguồn lực dồi dào để thúc đẩy nền kinh tế