Vi phạm trong quá trình hoạt động, nhiều công ty khoáng sản Thanh Hóa bị phạt nặng

Phong Anh|13/03/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chỉ trong khoảng thời gian hơn một tháng qua, nhiều doanh nghiệp khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị xử phạt hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng do vi phạm trong quá trình hoạt động…

Ngày 5/3 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 898/QĐ – XPHC xử phạt đối với Công ty cổ phần Công nghệ mỏ Thanh Hóa địa chỉ tại phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, số tiền 500 triệu đồng do công ty này khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm, nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 126/GP-UBND ngày 03/4/2017 từ 100% trở lên.

12-ks-thoa.png
Ảnh minh họa

Cụ thể, năm 2022, Công ty Công nghệ mỏ Thanh Hóa khai thác vượt công suất 321%; năm 2023 khai thác vượt 80,6%. Tính ra trung bình trong 2 năm, Công ty Công nghệ mỏ Thanh Hóa khai thác công suất vượt 200,8%.

Với tình tiết tăng nặng do vi phạm nhiều lần, ngoài số tiền 500 triệu đồng xử phạt hành chính, Công ty cổ phần Công nghệ mỏ Thanh Hóa còn bị UBND tỉnh Thanh Hóa buộc phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường do hành vi khai thác vượt công suất gây ra.

Liên quan đến lỗi trong quá trình hoạt động, trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 658/QĐ – XPHC về xử phạt hành chính đối với Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn, địa chỉ tại số 45 phố Cao Sơn, phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, số tiền xử phạt là 350 triệu đồng. Công ty này đã khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 1 ha đến dưới 1,5 ha (vượt 14.108 m2).

Ngoài số tiền bị xử phạt trên, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 11,25 tháng, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, buộc cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.

Cũng do lỗi khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác mà Công ty TNHH Tùng Lâm địa chỉ tại thôn Lương Điền, xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt với số tiền là 170 triệu đồng.

Cụ thể, theo Quyết định số 715/QĐ – XPHC do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành, Công ty TNHH Tùng Lâm đã khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,5 ha đến dưới 01 ha (vượt 9.582,6m2)

Ngoài số tiền 170 triệu đồng xử phạt hành chính, Công ty TNHH Tùng Lâm còn bị

UBND tỉnh Thanh Hóa buộc thực hiện giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.

Cũng trong thời gian này, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hưng Hào địa chỉ tại phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt số tiền 150 triệu đồng vì không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực.

Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 761/QĐ – XPHC xử phạt vi phạm đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hưng Hào, số tiền 150 triệu đồng. Công ty thực hiện hành vi vi phạm hành chính khi quá từ 6 tháng trở lên kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 803/QĐ – XPHC xử phạt Công ty TNHH Tân Hồng Phúc địa chỉ phố Tân Cộng, phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa số tiền 70 triệu đồng do Công ty này thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, như: chưa xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước mưa; chưa xây dựng bãi thải chứa đất đá thải phát sinh từ quá trình khai thác, chế biến.

12-ks-th1.png
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường hơn 1, 8 tỷ đồng đối với Công ty CP Xi măng Công Thanh

Bị xử phạt cao nhất là Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh, Thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn với số tiền bị xử phạt là hơn 1,8 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 28/QĐ-XPHC do Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh bị xử phạt số tiền 1,8 tỷ đồng do liên quan đến hàng loạt các vi phạm trong lĩnh vực môi trường khai thác khoáng sản. Cụ thể, công ty này trì hoãn, trốn tránh không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của người có thẩm quyền; không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không có giấy phép môi trường theo quy định đối với Dự án khai thác mỏ đá bazan tại núi Hòn Boi; không có giấy phép môi trường theo quy định đối với Dự án nhà máy đầu tư dây chuyền 1 và Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Công Thanh.

Công ty này không có giấy phép môi trường theo quy định đối với Dự án mỏ đá vôi làm nguyên liệu cho nhà máy xi măng Công Thanh; không có giấy phép môi trường theo quy định đối với Dự án khai thác mỏ sét làm nguyên liệu cho nhà máy xi măng Công Thanh.

Nội dung quyết định nêu rõ: Xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh có trụ sở chính: Thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đã thực hiện 6 hành vi vi phạm bào gồm:

Một là, trì hoãn, trốn tránh không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của người có thẩm quyền (Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 122/QĐ-XPVPHC của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường).

Quy định tại điểm a khoản 4 Điều 55 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Hình thức xử phạt chính là phạt tiền 130.000.000 đồng (Một trăm ba mươi triệu đồng).

Hai là, không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Kết luận thanh tra số 151/KL-TCMT ngày 20/12/2019 và Thông báo kết quả kiểm tra số 162/TB-TCMT ngày 17/10/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đối với nội dung: không có Giấy phép môi trường).

Quy định tại điểm b khoản 4 Điều 55 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 130.000.000 đồng (Một trăm ba mươi triệu đồng).

Ba là, không có giấy phép môi trường theo quy định đối với Dự án khai thác mỏ đá bazan tại núi Hòn Boi.

Quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị đinh số 45/2022/NĐ-CP. Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 320.000.000 đồng (Ba trăm hai mươi triệu đồng); Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được Quyết định này, quy định tại điểm a khoản 5 Điều 14 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

Bốn là, không có giấy phép môi trường theo quy định đối với Dự án nhà máy đầu tư dây chuyền 1 và Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Công Thanh.

Quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị đinh số 45/2022/NĐ-CP. Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 420.000.000 đồng (Bốn trăm hai mươi triệu đồng); Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được Quyết định này, quy định tại điểm a khoản 5 Điều 14 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

Năm là, không có giấy phép môi trường theo quy định đối với Dự án mỏ đá vôi làm nguyên liệu cho nhà máy xi măng Công Thanh.

Quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị đinh số 45/2022/NĐ-CP. - Quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị đinh số 45/2022/NĐ-CP. Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 420.000.000 đồng (Bốn trăm hai mươi triệu đồng); Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được Quyết định này, quy định tại điểm a khoản 5 Điều 14 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

Sáu là, không có giấy phép môi trường theo quy định đối với Dự án khai thác mỏ sét làm nguyên liệu cho nhà máy xi măng Công Thanh.

Quy định tại Quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị đinh số 45/2022/NĐ-CP. - Quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị đinh số 45/2022/NĐ-CP. Hình thức xử phạt chính là phạt tiền 420.000.000 đồng (Bốn trăm hai mươi triệu đồng); Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được Quyết định này, quy định tại điểm a khoản 5 Điều 14 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP và điểm a khoản 6 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tổng số tiền Công ty phải nộp là 1.840.000.000 đồng (Một tỷ tám trăm bốn mươi triệu đồng).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vi phạm trong quá trình hoạt động, nhiều công ty khoáng sản Thanh Hóa bị phạt nặng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.