Thanh Hóa quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản

Nguyễn Trường - Sơn Hà|25/12/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước

Theo thống kê của ngành chức năng đến tháng 9/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 330 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, gồm có: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường 222 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 190 triệu m3, tổng công suất khoảng 8,25 triệu m3/năm; cát làm vật liệu xây dựng thông thường 29 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 7,9 triệu m3, tổng công suất 0,757 triệu m3/năm; đất làm vật liệu san lấp 45 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 38 triệu m3, công suất khai thác khoảng 4,55 triệu m3/năm; đất san lấp cấp cho dự án đường cao tốc 2 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 4,4 triệu m2, công suất khoảng 3,788 triệu m3/năm...

anh-1.jpg
Khai thác cát tại mỏ cát số 2 (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), mỏ từng bị xử phạt vì hành vi khai thác vượt công suất

Để thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản (TNKS), UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TNKS, môi trường trên địa bàn. Cụ thể: Chỉ thị số 10/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Công văn số 14848/UBND-CN về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh;… Nội dung yêu cầu các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch, thăm dò khảo sát, đấu thầu, quản lý, cấp phép, khai thác, gia hạn nâng công suất khai thác, vận chuyển và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật khoáng sản.

Đặc biệt, đần đây, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 18702/UBND-CN gửi các Sở, ban, ngành… về việc tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài các biện pháp, yêu cầu để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, thì văn bản lần này đã chỉ rõ và yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, người đứng đầu bao che cho khai thác khoáng sản trái phép. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa kiên quyết xử lý và công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép trên địa bàn quản lý; đề xuất với cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật…

Kiên quyết xử lý các vi phạm

Nhìn chung thời gian qua, đa số các đơn vị được cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát của ngành chức năng cho thấy, vẫn còn một số đơn vị khai thác mỏ cố tình vi phạm. Với những trường hợp này, ngành chức năng đã kiên quyết xử lý, từ phạt hành chính, tước giấy phép, đến khởi tố.

Ghi nhận tại TP Thanh Hóa, địa bàn có 12 mỏ khoáng sản được UBND tỉnh cấp phép cho khai thác, trong đó có 10 mỏ đá vôi (gồm đá ốp lát và đá làm vật liệu xây dựng thông thường); 1 mỏ cát đang hoạt động khai thác; 1 mỏ cát đã hết hạn khai thác và đã hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ; 15 bãi tập kết kinh doanh cát. Từ năm 2022 đến nay, UBND TP Thanh Hóa đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản, các đơn vị tập kết, kinh doanh cát trên địa bàn. Kết quả, đã lập biên bản và xử lý 6/10 đơn vị được kiểm tra về hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường với tổng số tiền phạt là 245 triệu đồng (Công ty TNHH MTV Tân Thành 9 là 70 triệu đồng, Trần Hoàn 55 triệu đồng, HTX Đông Vinh 70 triệu đồng, Tổng Công ty Công trình giao thông 1 Thanh Hóa 20 triệu đồng, Trại giam Thanh Phong 30 triệu đồng, Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Phát 30 triệu đồng).

anh-2.jpg
Khai thác khoáng sản tại khu công nghiệp núi Vức (TP Thanh Hóa) - nơi được báo chí, dư luận nhắc đến nhiều vì tình trạng ô nhiễm môi trường

Tại huyện Thạch Thành, theo thống kê của Phòng TN&MT, địa phương có 17 mỏ khoáng sản được cấp phép đang còn thời hạn khai thác. Trong đó có 2 mỏ cát, 5 mỏ đá và 10 mỏ đất. Trong số 17 mỏ, hiện có 8 mỏ đang hoạt động khai thác gồm: Mỏ đá tại thị trấn Vân Du của Công ty TNHH Nguyên Phú; mỏ đá tại xã Ngọc Trạo của Công ty TNHH Cao Tuấn Cường; mỏ đá tại xã Thạch Cẩm của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Phúc An; mỏ đất tại xã Thành Thọ của Công ty Đầu tư xây dựng Minh Thành TH; mỏ đất tại thị trấn Vân Du của Công ty Công nghệ mỏ Thanh Hóa... Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong 8 tháng năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tổ chức 15 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 6 trường hợp với tổng số tiền xử lý vi phạm lên đến 328 triệu đồng. Việc tăng cường kiểm tra phát hiện và xử phạt vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong thời gian qua của huyện đã góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác thẩm định, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được thực hiện chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật.

anh-3.jpg
Hoạt động khai thác đất tại huyện Thạch Thành

Được biết, trong năm 2022, các phòng, ban chức năng của Sở TN&MT đã thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các thông tin phản ánh của báo, đài, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thanh, kiểm tra, Sở TN&MT đã phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay sở đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp. Sau các đợt thanh, kiểm tra, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền. Đơn cử như ngày 17/7/2023 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã ký Quyết định số 2528/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trung Nam số tiền 650 triệu đồng vì khai thác đá vượt công suất 95,6% tại mỏ đá vôi ở xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn…

Ngoài những trường hợp vi phạm bị xử lý hành chính, từ năm 2020 đến tháng 11/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố trên 10 vụ việc về tội “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; góp phần chấn chỉnh các hoạt động trong khai thác tài nguyên, khoáng sản; được dư luận đánh giá cao. Điển hình, tháng 6/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với lực lượng chức năng mật phục, bắt quả tang 5 thuyền đang tiến hành hút cát trái phép trên lòng sống Mã, đoạn qua thị trấn Quý Lộc huyện Yên Định (Thanh Hóa). Công an tỉnh Thanh Hóa sau đó đẫ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những cá nhân có liên quan về tội “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Qua đó xác định, mỏ cát số 41 được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho Công ty cổ phần thương mại Đức Lộc. Sau đó, công ty này đã nhượng quyền khai thác cho Lê Thị Loan và Trịnh Xuân Thành. Từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2022, Thoan, Thành và Giang đã huy động hàng chục tàu khai thác cát vượt công suất mỏ (Công suất khai thác ban đầu của mỏ cát số 41 là 20.000m3/năm, điều chỉnh còn 10.000m3/năm vào ngày 18/9/2019). Tổng số cát khai thác vượt công suốt trong thời gian trên là hơn 1 triệu m3, có giá trị hơn 95 tỷ đồng.

anh-4.jpg
Thời gian qua, các hoạt động khai thác, kinh doanh TNKS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã được đặt trong sự giám sát, quản lý chặt chẽ

Với những tư liệu, con số kể trên, có thể nhận định, Thanh Hóa đang thực hiện khá tốt công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác TNKS. Tuy nhiên, trước những vẫn đề còn tồn đọng, thiết nghĩ, ngành chức năng địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cả người quản lý lẫn người bị quản lý trong lĩnh vực này; đặc biệt, phải xử lý thật nghiêm, có sức răn đe, mang tính điển hình, đối với những trường hợp cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bài liên quan
  • Bức tranh môi trường nhiều gam màu sáng của tỉnh Thanh Hóa
    Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đươc thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, với nhiều mô hình khác nhau. Bởi vậy, bức tranh về môi trường của địa phương luôn sáng lên những gam màu mới lạ, đáng được tuyên dương và khích lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản