Bắc Giang ban hành quy chế phối hợp trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Thanh Thanh|02/08/2024 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quy chế được áp dụng đối với các cơ quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 12 về Quy chế phối hợp trong quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo quy chế, nội dung phối hợp bao gồm: Công tác lập, điều chỉnh, bổ sung phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản, việc thẩm định hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án khai thác, chế biến khoáng sản, thẩm định, cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án khai thác, chế biến khoáng sản, thẩm định cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, thẩm định đề án thăm dò khoáng sản, thẩm định báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản...

Về phương thức phối hợp, tùy theo tính chất, nội dung của công tác quản lý nhà nước có thể áp dụng một trong các phương thức phối hợp như, trao đổi thông tin qua điện thoại, lấy ý kiến bằng văn bản. Cùng với đó, tổ chức cuộc họp, tổ chức đoàn khảo sát, điều tra; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra, đoàn công tác liên ngành.

quan-ly-tai-nguyen-khoang-san-bac-giang.jpg
Bắc Giang ban hành quy chế phối hợp trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Đối với các doanh nghiệp trước khi tiến hành khai thác phải thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định của Giấy phép khai thác được cấp và pháp luật khác có liên quan. Phối hợp với UBND cấp xã thực hiện thông báo khối lượng, kế hoạch, chương trình thực hiện các công việc, hạng mục công trình hỗ trợ địa phương (nếu có) để công khai đến thôn và người dân nơi có khoáng sản khai thác được biết, giám sát trong quá trình thực hiện.

Về trách nhiệm của UBND cấp xã trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Quy chế nêu rõ. Khi phát hiện hoặc ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc thăm dò, khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản sai phép, không phép xảy ra trên địa bàn, UBND cấp xã chỉ đạo ngay lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vụ việc xảy ra phức tạp, vượt quá thẩm quyền giải quyết thì báo cáo kịp thời cho UBND cấp huyện trực tiếp quản lý để có phương án xử lý, các trường hợp khẩn cấp có thể báo cáo qua điện thoại, nhưng không quá 24 giờ phải có văn bản báo cáo kèm theo phương án đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND cấp huyện và trước pháp luật nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không phát hiện, không xử lý hoặc nhận được thông tin phản ánh đề nghị kiểm tra, xử lý các vi phạm đang diễn ra nhưng chậm trễ, không kịp thời triển khai nhiệm vụ hoặc để diễn ra kéo dài, tái diễn, đến mức phải xử lý hình sự.

UBND cấp huyện có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản. Triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thiết lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo hoặc thành lập lực lượng thường trực và giao cán bộ phụ trách cụ thể theo từng địa bàn nhằm bảo đảm thông tin liên lạc 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin và kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Công an cấp huyện, cấp xã thường xuyên kiểm tra địa bàn có hoạt động khoáng sản, nhất là những nơi có hoạt động khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép. Ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khoáng sản trái phép; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; áp dụng các biện pháp bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Công an cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ khoáng sản trái phép trong thời gian dài, tái diễn mà không kịp thời ngăn chặn, giải tỏa.

Khi nhận được báo cáo, đề xuất của UBND cấp huyện hoặc chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép (trừ cát, sỏi), Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức kiểm tra, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo kịp thời về UBND tỉnh kết quả giải quyết, xử lý. Ngoài ra, Quy chế còn nêu rất rõ các các quy định về Công tác quản lý hoạt động khoáng sản sau khi cấp giấy phép, công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, báo cáo tình hình hoạt động khoáng sản và quản lý sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, Bảo vệ môi trường, bảo vệ đất đai, bờ bãi ven sông, đê điều, công trình thủy lợi trong hoạt động khai thác khoáng sản…

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024 và thay thế Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế phối hợp trong quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ban hành kèm theo Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 03/8/ 2020 của UBND tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bắc Giang ban hành quy chế phối hợp trong quản lý tài nguyên khoáng sản