Cần thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Pá Khoang-Mường Phăng

Theo TTXVN|07/05/2019 06:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Pá Khoang-Mường Phăng với diện tích hơn 10.000ha, thuộc xã Nà Nhạn, Pá Khoang, Mường Phăng, Pú Nhi, Thanh Minh, Tà Lèng.

Khu bảo tồn loài-sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang-Mường Phăng được quy hoạch với diện tích hơn 10.000ha, nằm trên địa bàn các xã Nà Nhạn, Pá Khoang, Mường Phăng, Pú Nhi, Thanh Minh, Tà Lèng.

Nhằm cụ thể hóa Luật Đa dạng sinh học 2008, Quyết định số 45 ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Điện Biên đã xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch gồm sáu khu bảo tồn có diện tích gần 203.000ha, chiếm 21,2% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, Khu bảo tồn loài-sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang-Mường Phăng được quy hoạch với diện tích hơn 10.000ha, nằm trên địa bàn các xã Nà Nhạn, Pá Khoang, Mường Phăng (huyện Điện Biên); Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông); Thanh Minh, Tà Lèng (thành phố Điện Biên Phủ).

Trên cơ sở đó, ngày 17/8/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên ký hợp đồng số 07/2016 với Trung tâm Địa Môi trường và Tổ chức Lãnh thổ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam để thực hiện Dự án “Thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang-Mường Phăng” với mục đích bảo tồn và phát triển sự phong phú của hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái vùng đất ngập nước hồ Pá Khoang và cảnh quan môi trường; bảo tồn và phát triển các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bao gồm các loài động vật quý hiếm; bảo vệ cảnh quan sinh thái và di tích lịch sử Mường Phăng, tôn tạo giá trị lịch sử, tôn tạo giá trị văn hóa, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội vùng.

Tuy vậy, vì nguyên nhân khách quan và chủ quan, cho đến nay dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

Hồ Pá Khoang nằm trong quần thể khu du lịch Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, có tổng diện tích 2.400 ha

Địa điểm lý tưởng về du lịch và bảo tồn

Khu bảo tồn loài-sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang-Mường Phăng gồm rừng Mường Phăng, hồ Pa Khoang và diện tích rừng bao quanh hồ. Rừng Mường Phăng phát triển trên địa hình đồi, núi với độ cao trung bình trên 1.000m so với mặt nước biển, có núi Pú Huốt là đỉnh cao nhất.

Điều kiện khí hậu nằm trong ngưỡng đánh giá thích nghi và khá thích nghi đối với sức khỏe con người, thuận lợi cho các hoạt động tham quan du lịch ngoài trời, nghiên cứu cảnh quan rừng nguyên sinh nhiệt đới.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, hồ Pa Khoang được xây dựng năm 1974, hoàn thành năm 1981, nằm ở độ cao 900m và được coi là hồ trên núi.

Hệ thống hồ Pa Khoang gồm nhiều chi lưu của những con suối, những dòng chi lưu đầy nước mùa hè, cạn nước mùa khô, đã tạo thuận lợi để nơi đây tở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản á nhiệt đới và ôn đới. Mặt khác, hồ là nguồn cung cấp nước chính yếu cho toàn bộ lòng chảo Mường Thanh cũng như các khu vực lân cận.

Kết quả khảo sát của các nhà khoa học Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã nêu rõ Mường Phăng và hồ Pa Khoang có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Về thực vật, thống kê được 1.005 loài thuộc 614 chi, 198 họ của sáu ngành thực vật bậc cao có mạch, chiếm 9,86% tổng số loài, 27,31% tổng số chi và 69,23% tổng số họ của hệ thực vật Việt Nam. Trong đó, một số loài thực vật quý hiếm như Vũ diệp tam thất, Ngũ gia bì gai, Bát giác liên, Trai lý, Pơ mu, Lát hoa.

Hệ động vật có xương sống trên cạn tại Khu bảo tồn loài-sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang-Mường Phăng đã ghi nhận được 228 loài động vật hoang dã thuộc 31 bộ, 84 họ, 174 giống, trong đó có 42 loài thú, 109 loài chim, 18 loài bò sát và 12 loài ếch nhái. Một số loài quý hiếm được xác định như Tê tê vàng, Cu li nhỏ, Rái cá thường, Kỳ đà hoa, Rắn hổ chúa, Sơn dương.

Năm 2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên có văn bản số 892 giao nhiệm vụ cho các đơn vị gồm Ban Quản lý dự án du lịch Pá Khoang, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công ty quản lý thủy nông tổ chức kinh doanh nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt hồ Pa Khoang, bảo vệ diện tích 23ha rừng trên đảo và xung quanh hồ.

Tuy vậy, việc quản lý khu vực Pá Khoang-Mường Phăng gồm bốn đơn vị này gây nên sự chồng chéo trong quản lý và kinh doanh… dẫn đến rừng nơi đây đã và đang bị xâm hại, làm mất đi nhiều diện tích, suy giảm cả về số lượng và cá thể loài.

Thực tế là một số loài cây trước đây rất cao to, nay chỉ còn cây nhỏ như Đinh, Trương vân, Phay sừng, Giổi găng. Các loài cây quý nổi tiếng là Tô hạp, Giổi, Dẻ, Chò xanh, Phay sừng, Re, Xoan nhừ chỉ còn cây nhỏ.

Còn những loài Táu xanh, Lát hoa, Giổi xanh, Vàng tâm, Thạch hộc gấm đã cạn kiệt. Nhiều loài hiếm nay trở nên rất hiếm và khó gặp như Bình vôi, Du sam, Rau sắng, Thông tre, Kim giao, Lan kim tuyến… Kích thước trung bình của các loài cây còn lại giảm, dẫn đến cấu trúc rừng tự nhiên bị phá vỡ, làm giảm đa dạng sinh học và công dụng của hệ sinh thái rừng ở đây bị giảm theo.

Đặc biệt, diện tích rừng Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng vẫn đang bị lấn chiếm, tranh chấp; diện tích rừng đang trên đà suy giảm, ruộng lúa, nương rẫy đã lấn sát khu cửa “Hầm Đại tướng.”

Nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi này bị xâm hại khá nghiêm trọng, mức độ đe dọa đối với hệ sinh thái rừng và các loài động vật quý hiếm vẫn đang ở mức cao, nếu không có sự quản lý bảo vệ rừng kịp thời và quyết liệt thì nguy cơ mất rừng, suy giảm đa dạng sinh học tại khu vực này là rất lớn. Do đó, việc khôi phục và bảo vệ các hệ sinh thái, nguồn tài nguyên rừng, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sự diệt vong của các loài quý hiếm là rất cấp bách.

Những hiệu quả to lớn của Dự án

Đề cập về mục tiêu và những hiệu quả mang lại của Dự án “Thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang-Mường Phăng, tỉnh Điện Biên,” giáo sư-tiến sỹ Đặng Huy Huỳnh (Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định mục tiêu cụ thể của Dự án trước hết là bảo tồn và phát triển sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên và quan trọng. Nhất là hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, góp phần duy trì và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường, hạn chế lũ lụt, điều hòa môi trường sinh thái; đồng thời bảo tồn và phát triển các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại khu vực Pá Khoang-Mường Phăng.

Dự án nhằm duy trì và phát triển nguồn gen đặc hữu, quý hiếm; bảo vệ các di tích lịch sử Mường Phăng, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Mặt khác, Dự án góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực cho các nhà quản lý, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; cứu hộ động vật, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn chuyển chỗ và bảo tồn tại chỗ; góp phần ổn định, nâng cao đời sống nhân dân thông qua các chương trình phát triển kinh tế vùng đệm và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn lợi tự nhiên.

Giáo sư-tiến sỹ Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh, về hiệu quả về kinh tế, đó là hướng tới bảo tồn các loài đặc hữu quý hiếm, phát triển kinh tế, thúc đẩy và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thuộc Khu bảo tồn loài-sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang-Mường Phăng; phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, địa chất, địa sinh thái…

Việc thay đổi sinh kế của người dân phù hợp hơn với thế mạnh tài nguyên và điều kiện thiên nhiên tại nơi này, góp phần tạo ra những sản phẩm canh tác nông nghiệp, du lịch đặc thù của khu vực Pá Khoang-Mường Phăng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương, thực hiện xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Về hiệu quả xã hội, Dự án nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc khu vực Pá Khoang-Mường Phăng, ổn định đời sống của đồng bào, nâng cao dân trí bao gồm sự hiểu biết và cách phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.

Bảo tồn đa dạng sinh học không những cung cấp trực tiếp những phúc lợi cho xã hội như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng, năng lượng, mà còn có giá trị trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trong ứng dụng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, y tế, du lịch…, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo.

Dự án còn giúp đánh giá chính xác lợi thế và tiềm năng tài nguyên đa dạng sinh học khu vực Pá Khoang-Mường Phăng, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển bền vững; bảo tồn và phát triển các loài đặc hữu, quý hiếm, đặc biệt là các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Khu vực Pá Khoang-Mường Phăng có hồ Pa Khoang ở độ cao trên 900m rất đặc thù, là điều kiện cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế xây dựng những trung tâm nghiên cứu quốc tế về đa dạng sinh học.

Việc thực hiện Dự án cũng sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho những vấn đề môi trường và phục vụ phát triển bền vững; kiểm soát được tốc độ tăng phát thải, chất lượng nước hồ Pá Khoang, hạn chế bồi lắng, kiểm soát các hoạt động tự phát của người dân, cũng như hoạt động xây dựng và phát triển các công trình phục vụ du lịch, giảm nhẹ tác động đến môi trường sống của con người, như giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, giảm khả năng lây lan bệnh tật, giảm nhẹ tác động đến các hệ sinh thái, duy trì và bảo tồn các sản phẩm, dịch vụ môi trường tại khu vực này.

Đây chính là hành động cụ thể hóa Quyết định 1465 ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ-Pá Khoang tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đặc biệt là thực hiện ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời.

Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Pá Khoang-Mường Phăng