Cảnh báo: Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm vào năm 2100?

Thanh Hằng (T/h)|07/06/2019 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 19 hồ thủy điện trên dòng chính Mê Kông và 142 hồ trên các sông nhánh có thể đẩy vùng đất này vào tình trạng sạt lở, nước biển dâng…

“Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, mỗi năm ĐBSCL bị mất khoảng 300 ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. Thống kê số diện tích đất đã mất trong 10 năm qua ở khu vực này lên tới hơn 3.000 ha” – ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT), cho biết khi trả lời Pháp Luật TP.HCM.

Gần như toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam – một khu vực giúp nuôi sống khoảng 200 triệu người – sẽ chìm dưới nước đến năm 2100 với tốc độ diễn biến hiện thời, một nghiên cứu mới dự đoán.

Vùng đồng bằng này, nơi sinh cư của gần 18 triệu người và sản xuất một nửa sản lượng lương thực của Việt Nam, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng này phần lớn là do việc khai thác nước ngầm quá mức đang khiến đất sụt lún trong khi mực nước biển đồng thời đang dâng lên, nghiên cứu nhận thấy.

Theo ông Tăng Quốc Chính, nguyên nhân chính là do các hồ chứa thủy điện được xây dựng với mật độ dày đặc dọc theo sông Mê Kông, từ Trung Quốc đến Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia. Hiện riêng tại dòng chính sông Mê Kông có tổng số 19 hồ chứa thủy điện đã được quy hoạch xây dựng. Trong đó có bảy hồ chứa ở phía Trung Quốc đã hoàn thành và một hồ đang xây dựng. Tại địa phận của Lào, hiện cũng đang xây dựng hai hồ, dự kiến thời gian tới Lào tiếp tục xây dựng hai hồ nữa. Còn trên dòng nhánh sông Mê Kông, tổng số các hồ đã, đang và sẽ làm có 142 hồ. Hiện đã xây dựng được 50% trong tổng số 142 hồ đó.

Vụ sạt lở ở bờ sông Ô Môn, TP Cần Thơ ngày 24-4, nhiều căn nhà đã bị hà bá nuốt chửng (Ảnh: Hải Dương)

Ông Tăng Quốc Chính nói thêm: Các hồ chứa sẽ ngăn lại lớp bùn cát chảy xuống vùng hạ du. Mà chính lớp bùn cát này lại có tác dụng bồi lấp, ngăn xói mòn xảy ra. Còn một nguyên nhân khác, đó là tình trạng khai thác cát ở thượng lưu sông Mê Kông. Với tốc độ xây dựng hồ chứa và khai thác cát như hiện nay thì lượng bùn cát về ĐBSCL dự kiến đến năm 2040 sẽ giảm đi 97% so với giai đoạn trước năm 2007. Như vậy xu thế thiếu hụt bùn cát là rất lớn.

Sông ít bùn cát lắng đọng kết hợp với tập quán sinh sống lâu đời của người dân là dựng nhà sống ven sông làm gia tăng tải trọng lên bờ sông, càng gây ra tình trạng sạt lở. Hiện khu vực này có gần 600 điểm sạt lở, trong đó có 59 điểm sạt lở đặc biệt cần phải xử lý cấp bách.

Theo tính toán của Viện Tai biến địa chất Na Uy, mỗi năm ĐBSCL bị lún sụt khoảng 1-2 cm, cá biệt có chỗ lớn nhất là 3 cm/năm. Khi lún sụt như vậy sẽ làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển.

Vào tháng 2-2019, một nghiên cứu mới của ĐH Utrecht (Hà Lan) cho biết khu vực ĐBSCL đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng vì tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi dẫn đến nền đất bị sụt lún trong khi nước biển lại không ngừng dâng lên. Nghiên cứu này đưa ra dự báo nếu theo tốc độ sụt lún hiện tại thì vào khoảng năm 2100, gần như toàn bộ vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ bị chìm dưới mặt nước.

Chia sẻ về giải pháp, ông Tăng Quốc Chính nói: Thật sự rất khó ép các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông không xây dựng hồ chứa thủy điện vì đây là công trình phục vụ kinh tế, xã hội của quốc gia đó. Chúng ta chỉ có thể sử dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu lắng đọng bùn cát ở hồ. Ví dụ như xây dựng những hệ thống để xả cát về hạ du. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ giảm được phần nào.

Một giải pháp khác cũng đang được triển khai là xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, trong đó chú trọng xây dựng phương án chỉnh trị sông. Vạch ra tuyến chỉnh trị, chỗ nào hẹp thì nới rộng để đảm bảo không gian thoát lũ.

Trên cơ sở quy hoạch chỉnh trị sông, chính quyền sẽ đưa ra kế hoạch sơ tán dân trong khu vực sạt lở ra nơi an toàn, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ hộ dân di dời.

Thanh Hằng (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo: Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm vào năm 2100?