Cảnh báo tình trạng đuối nước khi mùa mưa đến

An Nhiên|30/05/2020 11:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mùa hè là thời điểm các em học sinh được nghỉ ngơi sau những ngày học tâọ căng thẳng. Nhưng làm sao để các em có môi trường an toàn nhất khi gần đây có nhiều vụ việc đuối nước thương tâm?

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, trong đó có một số vụ như: vụ tai nạn đuối nước tại chân cầu Bửu Hòa thuộc thành phố Biên Hòa vào sáng ngày 26/12/2019 làm 1 người chết; Vụ tai nạn đuối nước tại khu hồ bơi thuộc khu du lịch sinh thái Ngọc Hoa Trang (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) vào ngày 29/01/2020 làm 2 người chết; Vào lúc 9h sáng nay 4/8 tại Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu xảy ra một vụ đuối nước làm 1 người chết.

Những cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện ở tỉnh Gia Lai trong mấy ngày qua khiến mực nước sông, suối, ao, hồ… có sự thay đổi đột ngột. Mực nước lên cao, đục khiến việc quan sát khó khăn, nhiều ao, hồ trơ cạn trước đây nay đầy nước, tiềm ẩn nhiều rủi ro đuối nước, nhất là với các em nhỏ.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của ngành chức năng, chỉ trong vòng 1 tuần qua (từ ngày 22- 28/5), trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã liên tiếp xảy ra 3 vụ đuối nước, làm 6 trẻ em tử vong thương tâm. Cụ thể, khoảng 15 giờ ngày 22/5, tại huyện Mang Yang đã xảy ra một vụ đuối nước khiến 2 cháu nhỏ tử vong.

Vào thời điểm trên, 3 cháu nhỏ (cùng trú làng Groi, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) trong lúc chơi tại khu vực hồ nước tưới cà phê của người dân trong làng thì dép của một cháu bị rơi xuống hồ. Trong lúc nhoài người xuống lấy thì bị rơi xuống hồ đuối nước. Thấy vậy, một cháu nhảy xuống để cứu nhưng bị đuối nước theo.

Sau đó một ngày, vào khoảng 13 giờ ngày 23/5, ông Bling (trú tại làng Brông Groai, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) và vợ đưa con gái tên Blon (5 tuổi) đi làm ruộng tại cánh đồng xã Ia Pết. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, gia đình phát hiện cháu Blon bị đuối nước do xuống suối gần ruộng tắm.

Đến khoảng 15 giờ ngày 24/5 lại tiếp tục xảy ra một trường hợp đuối nước thương tâm. Năm cháu nhỏ (tuổi từ 8 đến 10 tuổi đều trú tại thôn Ia Ke, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đi bắt cá ở ruộng gần nhà. Sau đó, Vương Thị Thùy Trang (12 tuổi, trú tại thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cùng một người khác đi tìm nước uống, 3 cháu nhỏ còn lại xuống hồ tắm. Khoảng 5 phút sau, Trang quay lại thấy các bạn vùng vẫy nên gọi người đến cứu vớt. Tuy nhiên, khi được vớt lên 3 cháu đã tử vong.

Theo lực lượng chức năng, hiện ở Gia Lai đã xuất hiện nhiều cơn mưa đầu mùa khiến mực nước sông, suối, ao, hồ, nhất là các hồ trữ nước tưới tại các rẫy cà phê tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần giám sát chặt chẽ con em khi các em ra khỏi nhà. Đối với các gia đình đem theo con lên rẫy cần hết sức đề phòng, không để các cháu chơi quanh khu vực hồ nước.

Đặc biệt, với những ao, hồ nước sâu, cần rào chắn cẩn thận và có những biển cảnh báo nguy hiểm. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền để các em học sinh cẩn trọng với vấn nạn đuối nước khi đi tắm, vui chơi quanh khu vực sông, suối, ao, hồ.

Theo BS. Lê Thanh Tuyền, Khoa Hô hấp 1, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Điều quan trọng nhất trong thực hiện phòng ngừa đuối nước ở trẻ em chính là ý thức của phụ huynh trong việc chăm sóc, bảo vệ con em mình.

BS. Tuyền khuyến cáo, các bậc cha mẹ phải luôn giám sát con em mình khi đi tắm biển, ao, hồ; đậy kín các vật dụng chứa nước trong nhà; không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đặc biệt đối với các trẻ mới biết đi, trẻ hiếu động luôn muốn tìm tòi hiểu biết thế giới xung quanh.

“Một phút sơ sẩy có thể trả giá bằng cả mạng sống của các em, hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề về sau. Qua đây chúng tôi cũng ủng hộ việc phổ cập bơi lội tại trường học, cũng như các buổi huấn luyện kỹ năng sơ cứu đuối nước cho các phụ huynh và thầy cô giáo để xử trí kịp thời, không để xảy ra tình trạng đáng tiếc”, BS. Tuyền khuyến cáo.

Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế. Trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Trong khi đó, nhiều người chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; nhiều địa phương có số lượng ao, hồ, sông, suối … tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước.

Nguyên nhân xảy ra các vụ đuối nước ở trẻ em

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước khi mùa hè đang đến gần và mùa mưa sắp tới, cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau:

1. Khuyến cáo người dân và trẻ em không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.

2. Chỉ bơi ở những nơi có người, những nơi không có nước xoáy tại các khúc sông, suối; trẻ em khi bơi trong hồ bơi phải được giám sát của người lớn và khi bơi tại những khu vực trên cần có phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định về an toàn khi bơi.

3. Khi đi sông, suối người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ.

4. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao..

Việc phổ cập bơi lội tại trường học, cũng như các buổi huấn luyện kỹ năng sơ cứu đuối nước cho các phụ huynh và thầy cô giáo là điều rất cần thiết. Ảnh minh họa

Xử lý khi gặp trẻ bị đuối nước

Đặc biệt, khi phát hiện thấy người bị rơi, ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân và lập tức gọi cho lực lượng cứu nạn cứu hộ qua số điện thoại 114.

Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay; đặt nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp – 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.\

An Nhiên

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cảnh báo tình trạng đuối nước khi mùa mưa đến