Môi trường xã hội

Cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ từ thiết bị sưởi ấm

Hoàng Thơ 20/12/2024 08:30

Miền Bắc đang trải qua những ngày giá rét với nhiệt độ giảm sâu, khiến nhu cầu sử dụng thiết bị sưởi ấm tăng mạnh. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách các thiết bị này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới, không khí lạnh từ phía Bắc liên tục tăng cường xuống nước ta làm nhiệt độ chung khu vực Hà Nội xuống thấp, dẫn đến nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng cao.

Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ khi lựa chọn cũng như dùng các sản phẩm này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng. Thực tế, có nhiều vụ cháy, nổ từ thiết bị sưởi ấm, sinh nhiệt, sấy đồ trong mùa đông gây thương vong cho người sử dụng. Những vụ tai nạn, sự cố do thiết bị này gây ra trở thành hiểm họa rình rập đến sức khỏe của con người.

suoi.jpg
Cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ từ thiết bị sưởi ấm

Để bảo đảm công tác PCCC&CNCH trên địa bàn quận, CATP Hà Nội khuyến cáo đến các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn quận một số biện pháp PCCC cơ bản sau:

Khi sử dụng các thiết bị điện


Đối với các thiết bị điện sinh nhiệt như: bàn là, bếp điện, lò sấy, máy sấy, máy sưởi, đệm sưởi, đèn sưởi, bình siêu tốc, bình nóng lạnh v.v...

- Phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già, người mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần... sử dụng để hạn chế nguy cơ xảy cháy.

- Nên lựa chọn mua sắm các thiết bị điện sấy, sưởi của các nhà sản xuất có uy tín và đảm bảo chất lượng để đảm bảo an toàn.

- Phải tiến hành bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị điện sấy, sưởi (đèn sấy, điều hòa - nóng, máy sưởi...) sau một thời gian dài không sử dụng đề phòng bụi và độ ẩm hoặc địch hại cắn đứt dây điện gây chập cháy.

- Cần kiểm tra công suất các máy sấy, sưởi điện để sử dụng dây dẫn có tiết diện và chịu tải phù hợp, tránh bị quá tải gây chập điện và cháy, cháy lan.

- Không để các vật liệu dễ cháy, các loại thiết bị có khí nén gần các thiết sấy, sưởi. Người sử dụng cần tự xác định mức độ, nhiệt lượng của thiết bị để duy trì khoảng cách an toàn đề phòng bức xạ nhiệt gây cháy, nổ.

- Các vật liệu cháy được cần để cách xa các bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn và các thiết bị tiêu thụ điện... ít nhất 50 centimet hoặc phải có giải pháp phòng tia lửa điện do chập điện có thể gây cháy.

- Nên hẹn giờ và kiểm tra chế độ tự động tắt của thiết bị điện. Đặc biệt lưu ý với các đèn sưởi, đệm sưởi ấm. Không nên duy trì bật thiết bị 24/24, cần có thời gian có thiết bị nghỉ và tự làm nguội, đề phòng quá tải.

- Các cơ sở, hộ gia đình có sử dụng hệ thống tạo hơi nóng trung tâm, cần kiểm tra, thực hiện việc kiểm định của cơ quan chức năng đối với thiết bị tạo áp, bình hơi (hơi nóng) và bộ phận gia nhiệt theo quy định để đảm bảo an toàn.

- Tắt tất cả các thiết bị điện khi không sử dụng hoặc xét thấy không cần thiết thì nên rút phích cắm ra khỏi nguồn điện.

Khi sử dụng ngọn lửa trần


Đối với các nguồn nhiệt như bếp gas, bếp củi, bếp than, đốt củi lửa v.v...

- Thường xuyên kiểm tra và đề phòng các sự cố rò rỉ khí Gas có thể gây nổ hơi khí Gas.

- Không nên tích trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất dễ cháy khác ở trong nhà phục vụ nhu cầu sưởi ấm. Cần có quy định vị trí để Gas, xăng dầu, khí đốt khác ở bên ngoài nhà, nơi đảm bảo an toàn. Mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình có sử dụng Gas chỉ được phép tồn trữ không quá 70kg Gas trong nhà có người ở (tương đương khoảng 5 bình loại 12kg). Nghiêm cấm để bình và chai Gas ở tầng hầm hoặc lắp đặt ống dẫn Gas qua các tầng hầm, khu vực kín không đảm bảo an toàn PCCC, rò rỉ Gas.

- Khi đốt lửa củi để sấy, sưởi cần có người trông coi. Chuẩn bị sẵn các dụng cụ, phương tiện chữa cháy bên cạnh khu vực đốt (bình chữa cháy, xô chậu nước, chăn chiên tẩm ướt...). Có giải pháp chống bức xạ nhiệt đến các vật dụng gây cháy, cháy lan...

- Không đốt lửa (bếp củi, bếp than, nến...) trong phòng kín, phòng ngủ đề phòng cháy và ngạt khói, khí độc. Phải có phương án thông thoáng khí cho người ở trong phòng, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ.

- Không đốt lửa để sấy, sưởi gần các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như: khu vực chứa Gas, cây xăng, bồn chứa xăng dầu, bãi xe, kho tàng chứa vật liệu cháy được, nơi có tập trung đông người trong không gian giới hạn.

- Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại vật liệu như gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn trong không gian có thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và đốt lửa trần... nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra cháy và cháy lan.

- Nghiêm cấm đốt các loại vật liệu cháy để sấy, sưởi gây ô nhiễm như: nhựa, túi nilon, cao su, các vật chất tạo ra từ sản phẩm dầu mỏ nói chung và các hóa chất độc hại khác.

- Nghiêm cấm việc đốt lửa (củi, giấy, rác...) trên các tầng cao của nhà và công trình xây dựng, các công trình công cộng... đề phòng gió tạt tàn lửa gây cháy, cháy lan ra các khu vực lân cận và làm hỏng tài sản công. Nghiêm cấm sử dụng Gas hoặc tổ chức đốt lửa sấy, sưởi cho người và vật nuôi dưới các tầng hầm và không gian kín nói chung đề phòng ngạt hoặc nổ hơi khí Gas dư thừa.

- Mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác và báo cháy khi phát hiện có cháy. Khi xảy ra cháy, nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận hoặc Công an phường gần nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cảnh giác với nguy cơ cháy, nổ từ thiết bị sưởi ấm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.