Cao tốc TPHCM – Tây Ninh: Tuyến đường kinh tế đối ngoại

Theo SGGP|06/03/2021 10:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nút giao thông 3 tầng ngã tư An Sương được đưa vào sử dụng, cùng với nhiều tuyến đường được nâng cấp mở rộng kết nối vào quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) đã giúp giảm áp lực quá tải giao thông cửa ngõ phía Tây Bắc TPHCM. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề này, đồng thời tạo động lực cho khu vực phát triển, cần có một tuyến đường mới thông suốt từ TPHCM đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Giấc mơ thành hiện thực

Hiện nay, trục kết nối giao thông chính giữa TPHCM, Tây Ninh và các nước trong khu vực chỉ có duy nhất quốc lộ (QL) 22. Tuy nhiên, tuyến đường này lại thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Do đó, việc xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh) có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế không chỉ cho hai địa phương, mà còn giúp Việt Nam kết nối thông thương với nước bạn Campuchia. Vì vậy, nhiều năm nay, dự án này luôn được kỳ vọng sớm được đầu tư để qua đó, góp phần phát triển kinh tế khu vực.

Trong bối cảnh ấy, trên cơ sở ý kiến thống nhất của hai địa phương và Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND TPHCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, triển khai đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài. Dự kiến trong năm 2025, cao tốc TPHCM – Mộc Bài sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Quốc lộ 22, đoạn qua xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, gần cửa khẩu Mộc Bài nối vào cao tốc TPHCM – Mộc Bài. Ảnh: CAO THĂNG

Theo Sở GTVT TPHCM, để thực hiện dự án này, TPHCM và tỉnh Tây Ninh sẽ giải phóng mặt bằng, phần xây lắp sẽ thực hiện theo hợp đồng BT. Hiện các đơn vị đang trình chủ trương đầu tư, phấn đấu khởi công công trình trong năm 2022. Cao tốc TPHCM – Mộc Bài dài 53,5km, đoạn đi qua TPHCM dài 24km, qua tỉnh Tây Ninh gần 30km. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 13.600 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.100 tỷ đồng.

Cao tốc TPHCM – Mộc Bài bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TPHCM), đi song song với đường sắt (theo quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam đến năm 2030 – hiện nay chưa có) Tân Chánh Hiệp – Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua QL 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía QL 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.

Giai đoạn đầu xây dựng hai đoạn, đoạn từ TPHCM đi Trảng Bàng dài 33km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ và đoạn từ thị xã Trảng Bàng đi Mộc Bài dài 20,5km, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng lên 6-8 làn xe. Trong năm 2021, các đơn vị sẽ thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Quý 2-2021, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ năm 2022 đến 2025, tập trung triển khai dự án và hoàn thành, đưa cao tốc vào vận hành trong năm 2025.

Tạo hành lang phát triển mới

Nói về vai trò kinh tế của tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, cao tốc TPHCM – Mộc Bài là tuyến đường kinh tế đối ngoại quốc gia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Hơn thế, từ cửa khẩu Mộc Bài, tuyến đường này sẽ kết nối với các nước ASEAN gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore… Chính vì vậy, đầu tư tuyến cao tốc này là yêu cầu bức thiết, bởi không chỉ kết nối kinh tế liên vùng mà còn kết nối đa quốc gia.

Theo nhận định của ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thị trường Tết Tân Sửu diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tái xuất hiện, do vậy sở đã liên tục theo dõi diễn biến tình hình để kịp thời điều tiết cung cầu và giá cả hàng hóa. Chương trình bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực. Việc kiểm tra sát sao giúp cho thị trường tết năm nay diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của thành phố.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài không chỉ kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM và Tây Ninh mà còn góp phần thúc đẩy kết nối cả vùng kinh tế Đông Nam bộ. Cụ thể, tuyến đường này sẽ có các nút giao kết nối với đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TPHCM; giảm thời gian vận chuyển hàng hóa của cả vùng trong hoạt động xuất nhập khẩu với nước bạn Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Khu vực phía Nam hiện có hơn 1.000km đường biên giới với Campuchia và trong đó, cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quan trọng nhất, là nơi xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng Đông Nam bộ và đặc biệt cho “đầu tàu kinh tế” TPHCM. Tỷ lệ hàng hóa cả nước và khu vực các tỉnh Đông Nam bộ đi qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài rất lớn. Thực tế, phía Campuchia cũng đang làm tuyến đường cao tốc để kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.

Trước đây, khu kinh tế Mộc Bài được định hướng phát triển thương mại đô thị với chính sách phi thuế quan, nhưng không hiệu quả và giờ đây, chính sách này không còn phù hợp. Hiện tỉnh Tây Ninh đang phối hợp với các chuyên gia đánh giá lại, để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp cho việc xây dựng khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó, việc có tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài sẽ là một điểm sáng mới, góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu. Tây Ninh đang xin chủ trương nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chức năng kinh tế và định hướng, mục tiêu tạo động lực mới cho khu vực kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài được thiết kế là một tiền đề để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết: “Chính phủ đã có chỉ đạo, thống nhất để UBND TPHCM là đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài. Còn Tây Ninh đã chủ động đưa dự án vào danh mục dự án đầu tư công, dành nguồn kinh phí để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh báo cáo tiền khả thi, trình HĐND tỉnh ra nghị quyết ủy quyền cho HĐND TPHCM phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”.

Theo SGGP

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao tốc TPHCM – Tây Ninh: Tuyến đường kinh tế đối ngoại