UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đề án nêu ra nhiều dự án giao thông đường bộ, đường sắt cần sớm triển khai hoàn thiện trong thời gian tới.
Theo đề án, hiện chi phí logistics của một số ngành hàng tại TP khá cao, cụ thể thủy hải sản có chi phí logistics chiếm từ 25 – 30% tổng chi phí.
Một trong những nguyên nhân khiến chi phí cao là do hiện đường kết nối tại TP nói riêng và từ TP đi các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang quá tải, dẫn đến ùn tắc, thời gian di chuyển kéo dài.
Với tốc độ tăng trưởng hàng hóa cao, TP.HCM đang xây dựng nhiều giải pháp, trong đó phát triển kết cấu hạ tầng logistics ở cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy…
UBND TP HCM vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối với đường sắt, đề án đề xuất xây dựng mới 5 tuyến:
Tuyến 1: Đường sắt tốc độ cao gồm tuyến TP.HCM – Mỹ Tho – Cần Thơ.(dự kiến kéo dài đến Cà Mau) kết nối đường sắt Bắc – Nam. Tuyến này trước đó được nghiên cứu dài hơn 173 km với 14 ga và hai trạm khách đi qua 6 tỉnh thành: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Tuyến có điểm đầu hàng hóa ở TP Dĩ An, Bình Dương, còn điểm đầu hành khách tại huyện Bình Chánh, TP HCM và điểm cuối ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Tuyến 2: TP.HCM – Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối đường sắt TP HCM – Mỹ Tho – Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (quận 12, TP HCM). Theo nghiên cứu, tuyến này dài 139 km, đầu tư trước đoạn từ ga Tân Chánh Hiệp đến ga Trảng Bàng (Tây Ninh), dài gần 40 km.
Tuyến 3: Đường sắt Thủ Thiêm – sân bay Long Thành (Đồng Nai), điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM). Tuyến này dài hơn 37 km, thiết kế đường đôi với 19 nhà ga, chuyên vận chuyển hành khách đi lại ở sân bay.
Tuyến 4: Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, trong đó ưu tiên xây dựng đoạn TP HCM – Nha Trang, dài 366 km đáp ứng nhu cầu vận tải lớn. Đoạn từ Thủ Thiêm đến ga Bình Sơn (Đồng Nai) dài 32 km được đầu tư đường sắt tốc độ cao.
Tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP HCM) và cảng Long An. Tuyến này chỉ vận chuyển hàng hóa, điểm đầu tại ga Long Định (huyện Cần Đước, Long An) và điểm cuối ở cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP HCM), dài hơn 30 km.
Bên cạnh đó, đề án đề xuất đẩy nhanh mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đẩy nhanh tiến độ làm tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Ngoài ra, cần mở rộng các quốc lộ, khép kín đường vành đai 2 và triển khai xây dựng đường vành đai 3, 4…
Với đề án này, TP sẽ đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đến năm 2025 đạt 15%, đạt 20% vào năm năm 2030.
Ngọc Anh