Chất thải nguy hại công nghiệp và y tế được xử lý hiệu quả

Theo ĐCSVN|13/07/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” được ứng dụng triển khai đạt hiệu quả trong xử lý môi trường.

Đây là một trong 4 công trình xuất sắc vừa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa mới đây.

Công trình thuộc về nhóm tác giả: PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, KSC Mai Trọng Chính, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Đồng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhìn lại công tác bảo vệ môi trường những năm 1990 và đầu thế kỷ này, khi đó tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường do nước thải và rác thải đang hết sức nặng nề. Việc thu gom, xử lý chất thải chưa được đầu tư thích đáng và công nghệ xử lý chưa thực sự hiệu quả nên ô nhiễm do chất thải nguy hại công nghiệp và y tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe của nhân dân.

Sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 có hiệu lực thi hành, các cơ sở có phát sinh chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại buộc phải xử lý trước khi xả ra môi trường.

Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 còn bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Do vậy, phải đến năm 2005 sau khi Luật được thông qua với nhiều điểm mới, tiến bộ hơn và nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển công nghệ và kỹ thuật của xã hội thì công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại được các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và ứng dụng góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường của đất nước.

Sản phẩm của công trình được trưng bày tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Đứng trước nhu cầu thực tế và chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, với tinh thần vượt qua nhiều khó khăn, tăng cường phát triển chuyên môn nhóm cán bộ của Viện Công nghệ môi trường đã đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào xử lý chất thải nguy hại trong điều kiện Việt Nam.

Đến nay, nhóm tác giả công trình đã đề xuất được các công nghệ xử lý chất thải phù hợp và đưa vào ứng dụng thực tế đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế và công nghiệp và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước. Ưu điểm vượt trội của các công nghệ xử lý này so với các công nghệ xử lý chất thải khác đang được ứng dụng ở nước ta từ trước đến nay là chi phí đầu tư và chi phí xử lý thấp, vận hành đơn giản, đạt hiệu quả xử lý môi trường.

Chia sẻ về thành công của công trình, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên – đại diện nhóm tác giả cho biết, trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất nguy hại công nghiệp và y tế, tập thể tác giả đã có nhiều công trình khoa học liên quan được công bố, trong đó có các bằng độc quyền sáng chế, sách chuyên khảo và các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín. Điều đáng nói nhất là những địa chỉ ứng dụng mà công trình đã thực hiện trong suốt 15 năm qua (từ năm 2003 đến nay), công trình đã được triển khai ứng dụng trên 50 hệ thống xử lý chất thải rắn VHI-18B và trên 25 hệ thống xử lý nước thải IET-BF vào thực tế.

Có thể khẳng định, Công nghệ VHI-18B và IET-BF (lọc sinh học nhỏ giọt cấp khí tự nhiên) đang được ứng dụng hiệu quả trong xử lý chất thải y tế và công nghiệp ở nước ta hiện nay đã góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí xử lý giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ sở phát sinh chất thải nguy hại.

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên cũng cho biết: “Giai đoạn ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, kinh phí nghiên cứu ít, khó triển khai quy mô lớn trong thực tế. Đặc biệt, thiết bị rất dễ bị hỏng hóc, chi phí cho việc bảo hành, bảo dưỡng cao. Nếu cơ sở tiếp nhận thiếu sự quan tâm, vận hành không đúng bài bản hướng dẫn dễ gây ảnh hưởng đến hệ thống lò đốt. Nhưng với mong muốn hệ thống được vận hành ổn định, cán bộ của chúng tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ các cơ sở vận hành thực hiện bảo hành, sửa chữa thiết bị kể cả khi đã hết trách nhiệm bảo hành. Ngoài ra, nhóm tác giả còn gặp khó khăn trong công tác quảng bá, thương mại hóa sản phẩm”, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên cho hay.

Với mong muốn như nhiều nhà khoa học khác, PGS.TS Trịnh Văn Tuyên đề xuất, cần có chính sách hợp lý, khuyến khích sử dụng các sản phẩm KH&CN Việt Nam đã được làm chủ. Ngoài ra, cần hỗ trợ những công trình nghiên cứu khoa học có sản phẩm sở hữu trí tuệ nhiều tiềm năng, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay để ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

Theo đánh giá của Viện Hàn lâm KH&CN, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa dành tặng cho tập thể tác giả công trình “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” với mong muốn khích lệ một công trình mang lại lợi ích thiết thực cho dân sinh, cho con người và cho môi trường. Với tính chất ô nhiễm của chất thải ngày càng phức tạp, tiêu chuẩn xử lý chất thải ngày càng khắt khe hơn nên đòi hỏi công nghệ và hiệu quả xử lý phải được nâng cao hơn nữa, nhóm tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ trên ngày càng hoàn thiện góp phần thực hiện công tác bảo vệ môi trường của nước ta.

Theo ĐCSVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Video
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chất thải nguy hại công nghiệp và y tế được xử lý hiệu quả
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.