XEM VIDEO: Chế tạo thiết bị thu gom rác thải nhựa tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng
Ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những vấn đề lớn, cần được quan tâm, giải quyết trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, ô nhiễm rác thải nhựa tại các thủy vực như cảng cá, hồ và hạ lưu sông không chỉ tác động xấu đến nguồn nước, hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, việc thu gom các loại rác thải trôi nổi trên mặt nước, đặc biệt với các loại rác thải có kích thước nhỏ còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc thu gom rác chủ yếu vẫn dựa vào nhân lực và thiếu dụng cụ chuyện dụng. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu của Khoa Sinh-Môi trường, Trường Đại học Sư phạm-ĐHĐN, gồm ThS. Trần Ngọc Sơn cùng nhóm sinh viên Phan Văn Đà, Huỳnh Tấn Ngọc và Trịnh Văn Duy (sinh viên năm cuối ngành Quản lý tài nguyên và môi trường – CTM), đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị thu gom rác trôi nổi trên các bề mặt nước.
Nhóm nghiên cứu thiết bị thu gom rác của Khoa Sinh – Môi trường, Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN
ThS. Trần Ngọc Sơn – Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Hiện nay việc thu gom rác trôi nổi là khá khó khăn, nếu sử dụng các máy thu gom nhập khẩu thì rất tốn kém và đòi hỏi nhiều về kỹ thuật vận hành. Nhóm đã có trao đổi với các dự án thu gom rác ở một số nước trên thế giới, tuy nhiên việc chuyển giao đòi hỏi kính phí rất cao. Từ đó, nhóm quyết định chế tạo thiết bị thu gom rác tự động này, với mục tiêu tạo ra một thiết bị nhỏ gọn, dễ vận hành, hiệu quả cao và có thể hoạt động liên tục 24/7” .
Theo sinh viên Phan Văn Đà chi sẻ: “Khó khăn nhất của em và các bạn sinh viên trong nhóm là tìm các nguyên liệu và thiết kế chế tạo các bộ phận của thiết bị cho phù hợp với chi phí thấp”.
Rác thải trên mặt nước tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang được thiết bị thu gom
Theo Phó Trưởng phòng quản lý Hạ tầng và Môi trường, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, chị Ông Thị Cẩm Vân, thiết bị rất hữu ích trong việc thu gom rác thải trên mặt nước, nếu nhóm nghiên cứu phát triển thiết bị với quy mô lớn, sức hút của thiết bị lớn hơn thì việc thu gom rác thải sẽ có hiệu quả cao, giúp lọc sạch môi trường nước. Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang rất hoan nghênh sáng kiến này của nhóm nghiên cứu, mong muốn thiết bị được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Chị Ông Thị Cẩm Vân – Phó Trưởng phòng quản lý Hạ tầng và Môi trường
Theo Tiến sĩ Trịnh Đăng Mậu, Phó Trưởng Khoa Sinh – Môi Trường, Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, trong thời gian tới Khoa sẽ tiếp tục hỗ trợ nhóm nghiên cứu tìm kiếm các nhà đầu tư, hoàn thiện thiết bị thu gom rác thải trôi nổi với đầy đủ tính năng hiện đại, góp phần tạo nên môi trường biển, sông hồ xanh, sạch, đẹp hơn.
Vũ Thành