Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam

Mai An|15/05/2020 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chính phủ dự kiến 2 kịch bản về tăng trưởng kinh tế. Đồng thời cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan.

Sáng nay 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, những tháng đầu năm 2020.

Báo cáo đánh giá thêm nhiều tác động của dịch Covid-19 đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, từ đó đưa ra những kịch bản phục hồi.

Theo báo cáo, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho những nền kinh tế, tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.

Chính phủ dự báo tình hình với sự rà soát, tính toán các cân đối lớn và dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020:

Ở kịch bản 1, Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4, các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam hồi phục trong quý III. Theo đó, dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5-2,8%; công nghiệp và xây dựng 6,7-7,9%, dịch vụ là 2,8-3,6%.

Kịch bản 2, Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam hồi phục trong quý IV, GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,1-2,5%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%; dịch vụ là 1,8-2,8%.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, có thể thấy rằng nền kinh tế Việt Nam dù thuộc kịch bản nào thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% và một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra trong năm 2020 là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế sau khi đại dịch được kiểm soát cũng rất rõ ràng. Việt Nam có thể chặn được suy thoái kinh tế nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh lây lan trên diện rộng; chính sách kích thích kinh tế kịp thời, điều chỉnh chính sách tiền tệ, thuế quan linh hoạt; năng lực kháng chịu của nền kinh tế trước cú sốc tương đối tốt với mức nợ thấp, dự trữ ngoại hối được tăng cường.

Mặc dù nhiều nước đã triển khai các biện pháp kinh tế – tài chính với quy mô chưa từng có, song chỉ có tác dụng giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, chứ không có tác dụng giải quyết khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. Khủng hoảng này chỉ được giải quyết triệt để bằng biện pháp y tế, đẩy lùi được dịch bệnh, tìm ra vắc xin điều trị. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 với tính chất phức tạp, khó lường luôn tiềm ẩn rủi ro bùng phát trở lại.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Việt Nam hiện nay vẫn là kiểm soát được dịch bệnh, song song với việc thích nghi để giữ tăng trưởng trong ngắn hạn và tiếp tục chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

Mai An

Bài liên quan
  • Điều cần làm lúc này là hành động để “hồi sinh” ngành du lịch
    Moitruong.net.vn – Thừa nhận đại dịch Covid-19 đã khiến Sun Group tổn thất nặng nề, song bà Bùi Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng khẳng định, doanh nghiệp này đang nỗ lực hết sức đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường, đón đầu giai đoạn bùng nổ sau dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam