Chợ quê ngày Tết – Níu giữ hồn Việt

Thanh Huyền|22/01/2020 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vào những ngày cuối năm, đi chợ quê mới cảm nhận được không khí Tết đang về. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm chuẩn bị để đón chào năm mới. Chuối, bưởi, lá dong, hoa quả… là những mặt hàng không thể thiếu trong mỗi phiên chợ quê ngày Tết. Dù đón Tết ở nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc, người dân Việt Nam cũng cảm nhận được hồn quê trong phiên chợ ngày Tết.

Chợ Tết ở vùng quê Bắc Bộ

Mỗi dịp Tết đến cứ vào khoảng 23 tháng Chạp trở đi thì không khí chuẩn bị cho ngày Tết trở nên náo nhiệt hơn, tấp nập người bán, người mua. Nếu chợ Tết ở các phố phường luôn tràn đầy màu sắc của hoa, của các món đồ trang trí Tết rực rỡ… thì chợ Tết ở quê lại mang nét bình dị và hết sức gần gũi, thân thương với những nải chuối, buồng cau, quả cam, quả bưởi … hay với những đôi quang gánh, trong đó chỉ có vài bó rau, những món quà quê của các bà, các mẹ. Tất cả đều là sản vật cây nhà lá vườn khiến cho người đi chợ Tết cảm nhận được sự gần gũi, thân thương và mộc mạc, chân chất của thôn quê.

Bà Nguyễn Thị Tám, một người bán hàng ở phiên chợ quê cho biết:“Tôi bán những mặt hàng như ngô luộc, khoai luộc, bánh gio, bánh giò, bánh chưng, bánh cuốn…Tôi thấy phiên chợ rất vui, rất đông và mọi người rất thích thú để thưởng thức các món quà quê một cách háo hức”.

Dù đón Tết ở nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc, người dân Việt Nam cũng cảm nhận được hồn quê trong phiên chợ ngày Tết

Không khí chợ quê những ngày cận Tết càng trở nên nhộn nhịp, người dân kéo nhau đi họp chợ đông. Thông thường ở những phiên chợ quê thì chỉ họp vào buổi sáng. Nhưng vào dịp Tết người đi chợ đông gấp bội do nhu cầu mua sắm của người dân nhiều hơn nên chợ có thể họp cả ngày. Các bà, các mẹ lo mua lá chuối, lá dong, củ hành, củ kiệu, trái cây để bày mâm ngũ quả và những món đồ cần dùng vào những ngày Tết. Các nam nữ thanh niên mua sắm những món đồ để trang trí nhà cửa và quần áo để đi chơi trong dịp Tết. Còn các em nhỏ thì tung tăng, thích thú với sự nhộn nhịp và những màu sắc của những món đồ chơi dân gian như mặt nạ, tò he.

Chợ Tết ở quê chỉ đơn sơ và giản tiện với những mặt hàng nông phẩm, thủ công “tự sản tự tiêu” của những người nông dân chất phác. Những món hàng được mang ra chợ Tết có khi chỉ là mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, cây mía, trái bưởi, trái hồng hay buồng cau lá trầu, vườn nhà. Có khi là những cái rổ, cái rá tự đan bằng tre nứa. Đối với những người làm chăn nuôi chợ Tết với họ là cặp trống thiến, vài con gà mái hoa bán để lấy tiền chi tiêu … Tất tả bận rộn giữa những lo toan, vất vả nhưng chợ Tết vẫn rất huyên náo, rôm rả với sắc thái rất riêng.

Chợ Tết còn có hương rất riêng của ngày Tết, đó là mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của lá dong giềng…và đặc biệt đến với chợ Tết là không thể quên được mùi của hương trầm ngào ngạt. Đi chợ quê, ngoài mua sắm còn là để thưởng thức chút quà quê. Mọi người ngồi ở hàng, ăn tấm bánh, bát cháo, trò chuyện với nhau đôi ba câu chuyện. Ở quê mọi người thân nhau, biết đến chuyện của nhau nhiều hơn cũng là từ những câu chuyện bên hàng quà của phiên chợ quê. Ngày Tết dù bận rộn như cũng không ai bỏ qua những món quà quê ấy.

Chợ Tết quê cũng không thể thiếu hoa tươi, cây cảnh, hoa hồng, hoa cúc, rồi thược dược, đào, quất và cả mai vàng được trải dài từ ngoài vào trong chợ. Thường những hàng đào quất của các lái buôn được bày bán ngoài chợ vì không gian rộng hơn, nhiều chậu cây được bày bán hơn. Bởi thế mà phiên chợ ngày Tết lại càng đẹp và nên thơ hơn bao giờ hết, khi những nụ hồng nụ mai, sắc vàng của hoa cúc, sắc đỏ của hoa dơn, hoa hồng đua nhau khoe sắc trước gió. Chợ Tết không chỉ là nơi trao đổi, mua bán những sản vật vườn quê, mà đây còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ.

Về quê đi chợ ngày Tết, nhiều người xa quê hương như tìm lại kỷ niệm xưa có biết bao nhiêu thứ để nhớ. Nhớ lại ngày nhỏ được bà cho đi chợ được mua bánh đa, khi mua bánh nếp thơm phưng phức… Nhớ những lần theo mẹ đi chợ mải chạy theo người bán kẹo kéo hoặc người “thợ” nặn tò he, với những hình rực rỡ như: Con gà, Tôn ngộ không, bông hoa hồng, cô gái mặc áo mớ ba mớ bảy… được nặn bằng thứ bột dẻo quẹo có pha tẩm phẩm xanh, đỏ, tím, vàng… vì mải mê ngắm nghía bị lạc không biết đường về.

Ngày nay chợ quê vẫn giữ được những nét bình dị vốn có. Mỗi xã đều có chợ được đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ và thông thoáng. Hình thức mua bán đối với đa số mặt hàng vẫn là cách chọn hàng rồi ngả giá. Hàng hóa ở chợ xã cũng đa dạng, số lượng dồi dào và giá cả cũng không chênh lệch nhiều so với chợ huyện hay chợ tỉnh.

Một người bán đào chia sẻ: “Bây giờ, cầu đường thông thoáng, mọi thứ hàng hóa đều có thể được chở về tới tận xã bằng đường bộ. Thậm chí người bán ở xã có thể lên tận thành phố, các chợ đầu mối để lấy hàng một cách dễ dàng, có những người còn thuê cả xe lên Hà Nội để lấy được nhiều hàng hóa đa dạng hơn. Có khi hàng hóa của nhà sản xuất được lực lượng tiếp thị mang đến tận nơi giới thiệu và cung ứng”. Vì thế, người bán cũng không nhất thiết phải lên tận chợ tỉnh như xưa để mua sắm Tết.

Chợ Tết tại các thành phố lớn

Phiên chợ Tết cũng là một dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp

Chợ Tết ngày nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Chợ Tết ngày nay không chỉ gói gọn ở các khu chợ hay những địa điểm nhất định mà còn tỏa ra mọi ngóc ngách để phù hợp với cuộc sống trong sự phát triển của biết bao loại hình dịch vụ.  Ngày nay việc chuẩn bị Tết cũng trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần dành một buổi tối ra chợ hoặc vào siêu thị, là có thể đủ đầy những món đồ cần thiết. Việc chuẩn bị cũng đơn giản hơn vì phần nhiều những món đồ đã được làm sẵn nên mọi người không còn phải quá vất vả như chuẩn bị cái Tết xưa. Những món đồ thiết yếu để chuẩn bị đồ ăn cho ngày Tết như măng, miến, giò chả, mộc nhĩ nấm hương…. có khi đã được bày bán la liệt khắp nơi từ trước cả tháng trời. Bánh Chưng cũng được làm sẵn. Sự tiện lợi ấy giúp cho người ta không phải lo lắng nhiều, có thể đợi đến 27, 28 Tết ra chợ một vòng đã có đầy đủ cho ba ngày Tết.

Không phải quá bận rộn cho nấu nướng hay sửa soạn công phu, thế nên thời gian chuẩn bị cho Tết cũng được rút ngắn rất nhiều. Bận rộn với công việc cơ quan nhiều người mãi tới 30 Tết mới tranh thủ ra siêu thị là có thể mua được đầy đủ mọi thứ. Thậm chí để tránh phải hít khói bụi xe ngoài đường, hay xếp hàng thanh toán trong siêu thị, các bà nội trợ thời 4.0 còn chỉ cần ngồi nhà vẫn có thể mua được hết các loại đặc sản, thực phẩm vật dụng thiết yếu cho ngày Tết thông qua những ứng dụng mua hàng online. Tuy nhiên cái gì những có hai mặt của nó, mua hàng trên ứng dụng online quả rất tiện lợi, thế nhưng người mua chắc chắn sẽ không được hưởng cảm giác háo hức vui mừng khi chọn được món đồ ưng ý, hay có thể nâng lên đặt xuống món đồ mình lựa chọn và cảm nhận được không khí của chợ Tết năm nào.

Chính vì thế Chợ Tết ngày nay cũng không còn không khí đặc trưng như trước. Dù là ở thời nào, ở đâu thì chợ quê ngày Tết vẫn có những hương vị đặc trưng riêng, có những ấn tượng riêng. Vào những ngày cuối năm, dưới tiết trời mùa đông đi chợ quê mới cảm nhận được không khí Tết đang về. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm chuẩn bị để đón chào năm mới. Phiên chợ Tết cũng là một dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Thanh Huyền

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ quê ngày Tết – Níu giữ hồn Việt