Chơi hoa ngày Tết: Nét đẹp văn hóa dân tộc!

Vy Anh|10/02/2021 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với mỗi người Việt Nam, thú chơi hoa ngày Tết đã trở thành một nghệ thuật, một nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Đem sắc xuân rực rỡ đến cho mỗi nhà….

Mỗi độ Tết, đến Xuân về, lòng người như lâng lâng bay bổng giữa muôn vàn hoa khoe sắc. Nhà thơ Huy Cận từng bộc bạch: “Nếu một ngày không có hoa, cuộc đời như tăm tối”, “hoa là niềm vui, là hạnh phúc, là sự kết nối người với người”. Có lẽ vì thế mà chơi hoa ngày Tết dường như trở thành một nét thi vị của ngày Xuân.

Người miền Bắc chơi đào ngày Tết

Mai nở rộ, đào khoe sắc nghĩa là xuân đã về

Mùa Xuân sẽ mang tài lộc đến cho con người. Có những người ngắm hoa để mua rất kỹ, rất lâu và tỉ mỉ. Nhiều người cho rằng mua hoa kiểng phải chọn cả thế và dáng đứng của cây, thế cây vững chãi, cành lá sum suê, có cả lá, lộc, chồi, nếu có quả thì phải đủ quả chín, quả xanh… như vậy mới hội tụ đủ nét tứ quý cho một năm. Điều đó cũng biểu hiện sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ. Có những người đi chợ hoa không mua hoa nhưng để thưởng thức, để ngắm nhìn không khí Tết. Đặc biệt, vào những buổi tối, tiết trời hơi se lạnh một chút, người đi chợ hoa ngắm nghía, lựa chọn như là cái cớ để được đi chợ hoa. Chơi hoa ngày Tết: Nét đẹp văn hóa dân tộc! – Ảnh 1

Có nhiều người cho rằng những loài hoa được coi là biểu tượng thiêng liêng của ngày Tết. Nếu như ở ngoài Bắc với tiết trời đông lạnh giá, một cành hoa đào tươi thắm không chỉ làm cho nhà cửa thêm phần đẹp đẽ, ấm cúng mà màu đỏ còn được quan niệm là màu đem lại sự may mắn cho cả năm. Ðào thường được trồng ở miền Bắc và có 4 giống: Giống “đào bích” có màu hồng thẫm, sai hoa là một loại đào dùng để cắm chơi trong các ngày Tết. “Ðào phai” hoa màu hồng nhạt cũng sai hoa và thường được trồng để lấy quả. “Ðào bạch” ít hoa hơn, tương đối khó trồng. Các loại đào này đều có hoa kép. Giống “đào thất thốn”, cây thấp nhỏ, hoa nhỏ và nhiều màu, màu đỏ thẫm thường được trồng vào chậu uốn thành các dạng thế. Cành đào Nhật Tân là món quà quý cho những người thân sống ở phía Nam trong các dịp tết Nguyên đán.

Bên cạnh những gốc đào đẹp còn có cả hoa mai trắng với nhiều câu có dáng siêu đẹp. Hoa mai trắng được trông ở Nhật Tân chủ yếu là giống nhị độ mai, loài hoa này có tiếng là khó chăm và kén người chơi. Được biết, thời tiết năm nay cũng có phần khắc nghiệt nên nhiều cây hoa đã nở rộ. Mai trắng ở ngoài Bắc còn được liệt vào “bộ tứ quý” gồm”: tùng, cúc, trúc, mai. Mai trắng cùng họ với hoa đào và là loài cây thân gỗ phù hợp với khí hậu lạnh ở miền Bắc, thường nở vào dịp tết. Thời xưa, những người chơi mai trắng thường là những người cao tuổi, văn nghệ sĩ. Đến nay người chơi mai nhiều hơn với mọi lứa tuổi. Cây mai cũng không quá hiếm như ngày xưa nên người chơi có nhiều cơ hội để chọn cây theo đúng ý của mình. Giá của mỗi cây còn tùy thuộc vào thế của cây, trung bình mỗi cây mai được bán ra thị trường với giá từ 5-7 triệu đồng.

Nếu như miền Bắc là khí hậu giá lạnh thì miền Nam là khí hậu nắng ấm. Là nơi để cây mai vàng nở rộ vào mỗi dịp tết đến xuân về. Mai vàng ở phương Nam cũng là loài hoa tượng trưng cho sắc Xuân. Màu vàng thể hiện sự ấm cúng, sự tự tin và năng động của con người thuộc vùng đất này. Mai vàng là một loại cây rừng. Cây mai vàng rụng lá vào mùa Ðông. Thân, cành mềm mại hơn cành đào. Hoa mai vàng mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành, ở nách vệt cuống lá và hơi thưa. Hoa màu vàng, có mùi thơm, e ấp và kín đáo. Mai vàng còn có giống sau khi cho hoa còn kết quả màu đỏ nhạt bóng như ngọc, là mai tứ quí và nhị độ mai. Người chơi mai thường tỉ mỉ để ý đến những cái búp trên cành mai: búp tròn mới nhú hạt cườm chính là những chùm hoa rực rỡ đang thời ẩn náu; còn những búp dài nhọn như móng chân gà là những lá non chưa đến kỳ xuất hiện. Cho nên khi chọn cành mai chơi Tết, người sành mai rất lưu ý đến hai loại búp này để biết cành mai có hoa nhiều hay ít…

Năm nào cũng vậy, từ ngày 23 Tết, nhiều người đều ngóng đợi, đi thăm thú chợ hoa và không quên mang về cho mình những chậu hoa đẹp. Và tôi nghĩ ở đâu chợ hoa năm nào cũng mang một cái hồn riêng như vậy, khiến cho những người có thú chơi hoa đi hoài không bao giờ chán…

Theo quan niệm cảu người Việt thì trong không khí giao hòa, trời đất sang xuân, những bông hoa, nhành cây, chậu cảnh đem đến cho con người sức sống và những gì tười đẹp nhất cho một năm mới. Thú chơi hoa và cây kiểng ngày tết không những thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt mà nó còn mang ý nghĩa sâu sa: “Mùa xuân sẽ mang tài lộc đến cho con người”.

Mỗi loại hoa chơi ngày Tết có ý nghĩa tốt đẹp riêng

Chơi hoa ngày Tết cũng là một nghệ thuật

Việc chọn hoa chơi Tết đã công phu nhưng việc chọn cây cảnh bày Tết còn cầu kỳ hơn nhiều. Việc chọn cây không đơn giản chỉ là ngắm cây và chọn, mà đó còn thể hiện sự tinh thông, am hiểu về nghệ thuật phong thuỷ đối với cây cảnh. Đối với người sành về cây cảnh, thì thế và dáng của cây là rất quan trọng.

Thế cây phải vững chãi, cành lá sum suê, trong đó phải có cả lá-lộc-chồi, nếu loại cây có quả thì phải có đủ cả loại quả chín và xanh. Một cây hội đủ những yếu tố như thế mới có thể được xem là một cây cảnh đẹp, bởi nó hội tụ đủ nét tứ quý cho một năm. Điều đó cũng biểu hiện sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ.

Khi đi chợ ngày Tết, người mua thường chọn một số loại cây mang ý nghĩa cho sự no đủ và nhiều điều tốt lành cho năm mới, như cây Sung, Phát tài, Kim ngân thể hiện mong muốn giàu sang, tiền bạc luôn dồi dào; hay cây Quất theo quan niệm dân gian là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên…

Không chỉ vậy, những người yêu hoa, cây cảnh còn thích chọn theo bộ tứ quý gồm: Tùng-Cúc-Trúc-Mai thể hiện sức sống mãnh kiệt, bình dị và thanh tao. Trong đó, Tùng-Trúc tượng trưng cho người nam quân tử nên được bày bên ngoài, còn Cúc-Mai là cây tượng trưng cho thiếu nữ nên được bày bên trong.

Bên cạnh đó, nhiều người còn chọn bày Tết là các loại cây bonsai, với những dáng cây được tạo kiểu, mang ý nghĩa biểu trưng cho văn hóa Việt Nam và phương Đông như: Tam đa, Ngũ phúc… Trong đó, Tam đa là thế cây tượng trưng cho ba ông Phúc, Lộc, Thọ; còn Ngũ phúc là thế cây có năm tán, tượng trưng cho Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh.

Ngoài ra, ngày nay, nhiều người còn thích chọn cây cảnh được tạo dáng theo kiểu cách tân, có giá trị thẩm mỹ cao, như cây được uốn theo thế hạn phụ thạch (cây ôm đá), hay kiểu cây liền rễ (còn gọi là qua cầu)…

Và khi Xuân đến Tết về, nhà nhà có chậu Cúc, chậu Vạn thọ bên hiên, trong nhà có cây Quất trĩu quả hay chậu hoa Mai vàng và cành Đào thắm… Những điều giản dị ấy dường như làm không khí gia đình thêm ấm cúng, trang nghiêm nhưng cũng tươi mới và sinh động.

Cứ như thế, tục chơi hoa, cây cảnh ngày Tết của người Việt được gìn giữ và lưu truyền. Đây không chỉ là nét truyền thống, mà còn là hơi thở mùa xuân, là những điều tốt đẹp trong văn hóa đón tết cổ truyền của dân tộc.

Vy Anh

Bài liên quan
  • Quất, bưởi Văn Giang sẵn sàng đón Tết
    Moitruong.net.vn – Văn Giang (Hưng Yên) những ngày giáp Tết, đi đâu cũng thấy những vườn quất cảnh vàng ươm, trải đều trên tuyến đường nối từ khu đô thị Ecopark đi Hưng Yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chơi hoa ngày Tết: Nét đẹp văn hóa dân tộc!
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.