Chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết

Theo HNP|17/07/2017 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sáng 17/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có cuộc họp với đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương nhằm tiếp tục ứng phó với diễn biến của bão số 2. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cuộc họp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương sau bão số 2

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng 1h ngày 17/7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh gây gió mạnh cấp 9 – 10, các đảo ven bờ gió giật cấp 11 – 12. Hồi 4h, ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 105 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9 – 10. Trong 12h tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ, tiếp tục có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9 – 10; sóng biển lên cao từ 3 – 5m, biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, sáng nay còn có gió mạnh cấp 8 giật cấp 9 – 10. Ngày 17/7, các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to (50-100mm), mưa ở khu vực Bắc bộ có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới. cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 5h sáng ngày 17/7, bão đã làm 1 người chết; 2.751 nhà, quán bị tốc mái, trên 2.000ha vừng bị đổ; 300ha dưa hấu bị ngập, 350ha keo và hàng nghìn cây xanh bị đổ. Mưa lớn đã làm sạt lở một số điểm trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, bão số 2 đã làm tàu vận tải VTB 26 (trên tàu có 13 thuyền viên) bị chìm, tàu chở 4.700 tấn than, neo dậu tại khu vực biển Hòn Ngư, Cửa Lò, Nghệ An.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các đơn vị cần tập trung tìm kiếm cứu nạn tàu VTB 26, sớm tìm thuyền viên bị nạn. Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì phối hợp với các bộ ngành, tỉnh huy động mọi phương tiện tìm kiếm người mất liên lạc, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại do bão, thăm hỏi động viên tinh thần để bà con yên tâm, sớm ổn định sản xuất, khắc phục hậu quả do bão. Dọn dẹp làm vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm dễ xảy ra lũ ống lũ quét, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn. Vì mưa lớn vẫn tiếp tục do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, riêng khu vực miền núi phía Bắc vẫn đang mưa. Do đó, có thể xảy ra sạt lở đất, an toàn hồ đập, lũ quét vẫn còn đe dọa đến tính mạng người dân. Do vậy, các địa phương cần chủ động và sớm khắc phục.

Tại Hà Nội, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, ghi nhận tại thời điểm 10 giờ ngày 17/7, trên địa bàn thành phố Hà Nội có mưa to, một số khu vực nội thành như đoạn Quốc Tử Giám, trước cửa UBND phường Thành Công, đê Nguyễn Khoái… đã bị úng ngập, các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn. Dự báo trong ngày 17/7, Hà Nội tiếp tục có mưa lớn, nhiều khu vực trong nội đô cũng như một số tuyến dẫn vào nội đô có khả năng bị ngập nặng.

Để đối phó với tình trạng ngập sâu có thể xảy ra trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị của thành phố đã huy động 100% quân số để ứng trực tại những điểm ngập, tổ chức thu gom rác tại các hố ga thu, hướng dẫn giao thông, đặt biển cảnh báo mưa ngập. Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đã chuẩn bị 72 xe hút, xe stec; 20 máy bơm chìm công suất từ 100m3 – 150m3/giờ, 11 máy phát điện công suất từ 5 – 30KVA; 1 tổ xe bơm di động công suất 1.000m3/giờ và 2 tổ xe bơm di động công suất 1.800m3/giờ.

Bên cạnh đó, 8 tổ máy bơm di động công suất từ 200m3 – 300m3/giờ và hơn 100 xe ô tô chuyên dùng để sẵn sàng tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra trên địa bàn. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… và đập Thanh Liệt đã được mở để điều hòa nước theo quy trình, Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I đang vận hành các máy bơm để tiêu thoát nước trên hệ thống.

Đối với khu vực ngoại thành, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thủy lợi túc trực, bố trí nhân lực, vận hành các trạm bơm tiêu hạn chế diện tích lúa hoa màu bị ngập úng. Ngoài ra, hiện nay, tất cả các kênh tiêu nội đồng thuộc huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa dọc sông Nhuệ… cũng tổ chức tiêu kiệt. Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương kiểm tra hệ thống cống tiêu, khơi thông và giải phóng vật cản trong hệ thống tiêu; Bố trí cán bộ trực ban 24/24 giờ theo dõi diễn biến của bão số 2 và có phương án đối phó kịp thời khi có ngập úng xảy ra.

Theo HNP


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết