Chủ động ngăn chặn thực phẩm bẩn dịp cuối năm Tết Nguyên đán 2020

Minh Anh (t/h)|12/01/2020 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dịp cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và mùa lễ hội đầu năm với nhu cầu thực phẩm tăng cao là cơ hội để thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn ra thị trường.

Mới mấy ngày đầu tháng 1/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp với Đội cảnh sát giao thông đường bộ – Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ôtô khách điều khiển từ Hà Nội lên Lạng Sơn có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm, phát hiện trên xe có 24 thùng carton chứa 30 kg đùi gà, 101 kg gà thịt sẵn nguyên con, 148 kg thịt lợn. Tất cả thực phẩm không có tem vệ sinh thú y, không có hóa đơn, chứng từ và giấy kiểm dịch, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

Cùng ngày, lực lượng QLTT Lạng Sơn phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ôtô khách đang vận chuyển hàng hóa có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam vào nội địa để tiêu thụ. Trên xe ôtô BKS 29D-526.18, lực lượng chức năng phát hiện 14.000 bao bì dùng để đóng gói hạt nêm Knorr, loại túi 170 gram. Số bao bì trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, có dấu hiệu là bao bì thực phẩm giả.

Trước đó, vào giữa tháng 12/2019 các trinh sát đồng loạt ra quân trấn áp các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm (nhất là các hoạt động sơ chế, chế biến thực phẩm; buôn bán vận chuyển các sản phẩm từ gia súc, gia cầm)…

Ảnh minh họa

Những tồn tại nêu trên khiến thực phẩm “bẩn” vẫn được tuồn về nội địa và vẫn được tiêu thụ trên diện rộng, song hai khâu trọng yếu nhất cần khắc phục để trị căn bệnh nan y này từ gốc chính là phải đẩy mạnh sản xuất sạch và kiểm soát xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức cung ứng thực phẩm “bẩn”. Hiện nay, tình trạng chung của ngành sản xuất, chăn nuôi là manh mún, nhỏ lẻ, không có chính sách động viên cụ thể với người sản xuất sạch và chế tài xử lý nghiêm khắc với những người sản xuất vô đạo đức. Mặt khác, sản phẩm bẩn lại thả sức tung hoành tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động, phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thị trường thực phẩm Tết, với mục tiêu không để ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp và người dân, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và ATTP.

Điển hình, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở SXKD thực phẩm đường phố. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người tiêu dùng, cần quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của chính mình. Thực phẩm, hàng hóa kém chất lượng tuy khó phát hiện nhưng có thể phòng tránh bằng cách thận trọng trong lựa chọn mua sắm, tiêu dùng; chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm ATTP, cũng như tìm mua những nơi tin cậy, uy tín để tránh dùng phải thực phẩm không an toàn.

Bàn về các giải pháp trong năm tới, Sở NN&PTNT Hà Nội đã báo cáo với Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP thành phố, sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát các cơ sở giết mổ động vật và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, tăng cường các chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch. Còn Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm sạch thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng để từng bước thay thế các chợ tự phát, đồng thời sẽ chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP tại các chợ, siêu thị; phát triển nhanh mô hình chợ ATTP, duy trì hoạt động kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Nhiệm vụ của các Sở Thông tin và Truyền thông trong năm tới là có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan báo chí giám sát và quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời bên cạnh việc thông tin về các cơ sở vi phạm quy định về ATTP cần đưa tin về các mô hình sản xuất an toàn, tránh việc đưa các thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng gây hoang mang cho người tiêu dùng. Công an thành phố mới đây cũng báo cáo kế hoạch sẽ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thực phẩm, các loại gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng các chất cấm để chế biến, bảo quản thực phẩm.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ động ngăn chặn thực phẩm bẩn dịp cuối năm Tết Nguyên đán 2020
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.