Khảo sát tại một số quận, huyện của Hà Nội, không khó để bắt gặp những con ngõ sâu, chật hẹp trên những con phố của Thủ đô. Nhiều ngõ hẹp tới mức chỉ rộng khoảng 1m, chỉ vừa một chiếc xe máy, người đi bộ phải lách nhau mới có thể đi được. Mặc dù vậy, đây lại là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình, cũng là địa điểm tồn tại nhiều loại hình nhà ở để kinh doanh.
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an Thành phố Hà Nội, hiện Thành phố có hơn 1.200 tuyến phố không tiếp cận được bằng xe chữa cháy chuyên dụng. Đối với những ngõ ngách nhỏ, ngay cả xe chữa cháy mini nhỏ gọn cũng chưa có cách nào tiếp cận.
Anh Hoàng Đăng Sáng – Người dân sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “ Sống trong ngõ nhỏ thế này mà xe cứu hỏa ko vào được thì mọi người cũng lo lắng lắm. Nếu mà cháy lớn thì thực sự ko biết làm sao để chữa cháy cả.”
Trên thực tế, kể từ thời điểm phát hiện có cháy đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp nhận được thông tin và có mặt tại hiện trường mất khoảng 10 - 15 phút (có thể lâu hơn tùy vào điều kiện giao thông, vị trí địa lý). Trong khi đó, "thời điểm vàng" trong công tác chữa cháy là dưới 5 phút kể từ khi đám cháy khởi phát.
Việc triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp thường mất nhiều thời gian do các yếu tố khách quan. Do đó, theo nhiều chuyên gia, phát triển các mô hình tại chỗ như tổ liên gia an toàn PCCC hoặc điểm chữa cháy công cộng được xem là các giải pháp hiệu quả trong việc tận dụng thời gian vàng để chữa cháy.
Bình chữa cháy xách tay là loại phương tiện chữa cháy ban đầu được trang bị phổ biến tại các khu dân cư. Loại phương tiện này có hiệu quả cao trong việc xử lý các đám cháy vừa và nhỏ hoặc mới phát sinh.Tuy nhiên khi bùng phát các đám cháy lớn, những đám cháy đã lan rộng thì người dân sẽ khó xử lý hơn cũng như để dập tắt hoàn toàn ngọn lửa. Cũng vì vậy một số mô hình PCCC mới đang được triển khai, đặc biệt trong các khu vực ngõ sâu nơi lực lượng chức năng khó tiếp cận khi có sự cố cháy nổ.
Trao đổi với phóng viên Moitruowng.net.vn, ông Nguyễn Việt Trung - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “ Quan trọng nhất là xử lý bước đầu, trong 5p đầu tiên. Với hệ thống vòi chờ này thì các tổ liên gia có thể dễ dàng lắp và sử dụng dặp tắt đám cháy được ngay..”
Để kịp thời chữa cháy những điểm cháy lớn, thành phố cũng đang thí điểm mô hình họng cấp nước vách tường. Hệ thống này bao gồm hàng chục họng nước và tủ vòi lăng được liên kết với nhau, đặt rải rác trong các ngõ ngách. Khi có hỏa hoạn, nước sẽ được hút từ các bể ngầm trong khu dân cư thông qua máy bơm điện. Người dân có thể xử lý các đám cháy trên cao hoặc ở khoảng cách xa mà không phải tiếp cận.
Trung tá Trương Tuấn Vinh – Phó đội trưởng Đội cảnh sát PCCC& CHCN, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã lên quy trình để lực lượng PCCC của phường có thể tự bảo trì, bảo dưỡng, trang bị sử dụng phương tiện. Hướng dẫn các phương án chữa cháy cho từng loại hình cháy hiệu quả nhất khi sử dụng các họng nước này…
Không chỉ người dân, lực lượng PCCC&CHCN cũng được hưởng lợi từ mô hình này. Khi cháy trong ngõ sâu, lực lượng chức năng có thể đấu nối trực tiếp vòi từ xe chữa cháy vào các họng tiếp nước được đặt ở đầu các con ngõ thay vì phải kéo hàng trăm mét vòi từ đường lớn như thông thường. Điều này giúp cho việc chữa cháy được kịp thời và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ngoài ra, các quận, huyện cần tiếp tục chủ động yêu cầu các chủ cơ sở, chủ đầu tư nhà trọ thực hiện ngay giải pháp ngăn cháy, ngăn khói giữa khu vực để xe và khu vực để ở; hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ 2; tổ chức các đợt diễn tập, kiểm tra hệ thống trang thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy; nghiên cứu các phương án cụ thể phù hợp với tình hình hiện nay để huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn nghiêm trọng.