Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một hiểm họa nghiêm trọng đối với toàn nhân loại, đe dọa trực tiếp đến nền sản xuất nông nghiệp, trở thành thách thức chính đối với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới.
BĐKH đe dọa trực tiếp đến nền sản xuất nông nghiệp
Đứng trước thách thức to lớn này, Tổ chức Tư vấn quốc tế về nghiên cứu Nông nghiệp (CGIAR) đã tiến hành nghiên cứu các nguy cơ, mối đe dọa đối với nông nghiệp và an ninh lương thực trên thế giới do ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu. Từ đó tìm ra các giải pháp giúp những người làm nông nghiệp thích ứng tốt với BĐKH. Một trong những giải pháp đó là chương trình dài hạn “Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực” (CCAFS).
Tại Việt Nam, CCAFS hiện đang hợp tác với các đối tác (quốc tế, quốc gia, địa phương) và cộng đồng dân cư bản địa để xây dựng và phát triển “Làng/thôn/ấp thích ứng thông minh với BĐKH” thành một mô hình mẫu trong thực hiện các giải pháp ngay tại địa phương nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng thích ứng của người dân với BĐKH, xây dựng khả năng phục hồi đối với ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, đồng thời cải thiện đời sống và thu nhập cho nông dân.
Theo CCAFS: Để thiết lập “Làng/thôn/ấp thích ứng thông minh với BĐKH” thì điểm được lựa chọn phải là nơi thấy rõ tác động của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp, hệ sinh thái, sinh kế của người dân địa phương; có tiềm năng, tính khả thi áp dụng các giải pháp khoa học kĩ thuật trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự mong muốn hợp tác lâu dài, tin cậy từ lãnh đạo chính quyền và người dân địa phương.
CCAFS cho biết: Mục tiêu của “Làng/thôn/ấp thích ứng thông minh với BĐKH” là hướng đến việc nâng cao khả năng hoàn thành, đáp ứng các mục tiêu về an ninh lương thực và phát triển; góp phần tăng năng suất cây trồng vật nuôi và khả năng phục hồi trước tác động tiêu cực của BĐKH, sự thay đổi bất thường của thời tiết; giảm nhẹ sự ấm lên toàn cầu bằng cách giảm thải khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp tại những vùng có thể.
Hiện nay, CCAFS đã chính thức khởi động dự án “Làng/thôn/ấp thích ứng thông minh với BĐKH” tại thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Dự án mang tên “Các kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và sinh kế của vùng nông thôn Đông Nam Á”, được điều phối bởi Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) trong chương trình nghiên cứu của CGIAR về biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực (CCAFS).
Bên cạnh đó, ngày 25/2, tại Hải Phòng, Bộ NN&PTNN cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã tổ chức Hội thảo về BĐKH ở vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 2 nhằm hỗ trợ vựa lúa lớn thứ 2 cả nước này ứng phó với BĐKH. Chương trình ứng phó với BĐKH của USAID tại Việt Nam có 2 dự án: Dự án rừng và đồng bằng Việt Nam (VFD) và Dự án năng lượng sạch (VCEP).
VFD đưa ra các mục tiêu nhằm chuyển đổi trong việc ứng phó với BĐKH để phát triển bền vững và hạn chế phát thải nhà kính. Cụ thể, trong mục tiêu ngắn hạn của mình, VFD chỉ ra việc sẽ lồng ghép nội dung BĐKH trong xây dựng, thực hiện và giám sát triển khai kế hoạch sử dụng đất, quản lý, bảo vệ phát triển rừng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động cấp tỉnh. Cùng với đó, sẽ lồng ghép nội dung BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương: thí điểm các mô hình sinh kế và quy hoạch dân cư thích ứng với BĐKH trước mắt và lâu dài.
Tại hội thảo, đội ngũ tư vấn của VFD cũng đề xuất 3 ý tưởng: Thứ nhất là tăng cường hệ sinh thái rừng ngập mặn để ứng phó với BĐKH vùng ven biển miền Bắc Việt Nam; thứ 2 là phát triển nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở khu vực ven biển phía Bắc Việt Nam; thứ 3 là tăng cường năng lực quản lý môi trường nước ở lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình để giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH khu vực này.
(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)