Chương trình trồng một triệu cây xanh: Hướng tới thành phố xanh, văn minh và hiện đại

Theo HNP|13/02/2018 10:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Thành phố Hà Nội xác định một trong những mục tiêu quan trọng trong những năm tới là xây dựng Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, xây dựng môi trường sống tốt nhất, người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao… Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, có chương trình trồng thêm 1 triệu cây xanh. Qua 2 năm triển khai, bước đầu đạt được nhiều kết quả khích lệ, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp được coi là tuyến đường mẫu mực trong việc thiết kế, trồng chăm sóc hệ thống cây xanh

Theo ông Vũ Kiên Trung – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, thực hiện chương trình mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn (2016 – 2020), trong 02 năm 2016 – 2017, Hà Nội đã thực hiện trồng được gần 500 nghìn cây xanh. Trong đó, có gần 40 nghìn cây xanh đô thị có đường kính lớn, gần 50 nghìn cây hoa, cây cảnh khóm lưu niên, gần 40 nghìn m2 (khoảng 800 nghìn cây) các loại cây hoa, cây thảm được trồng ở những tuyến đường, tuyến phố trung tâm đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của các tuyến phố Thủ đô Hà Nội.

Nhiều chủng loại cây mới được đưa vào trồng ở Hà Nội tạo nên giá trị lớn về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị như: cây Sang, cây Hoa Ban, Chà là, cây Cọ Dầu, Bàng lá nhỏ, cây Chiêu liêu, Long não, Giáng hương, Lộc vừng… Khối lượng cây trên được trồng trên 120 tuyến phố, tuyến đường của Thủ đô Hà Nội. Một số tuyến đường, tuyến phố có hệ thống cây được trồng mới và trồng bổ sung hoàn thiện như tuyến Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, khu vực Công viên Lê Nin, Hoàng Văn Thụ, Văn Cao, Liễu Giai, Láng Hạ, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, khu vực Đại lộ Thăng Long… Đặc biệt, hệ thống cây xanh được hoàn thiện đẹp nhất trên trục đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công (đoạn từ Cầu Giấy đến Sân bay quốc tế Nội Bài) được coi là tuyến đường mẫu mực trong việc thiết kế, trồng chăm sóc hệ thống cây xanh.

Minh chứng về những kết quả Hà Nội đạt được sau 2 năm thực hiện chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh, Chuyên gia sinh học – Nông nghiệp, Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam – ông Nguyễn Lân Hùng, chia sẻ: “Một người bạn từ thành phố Hồ Chí Minh ra nói với tôi Hà Nội nay khác quá, cây được trồng nhiều và rất đẹp…” chắc anh ấy xuống sân bay và đi qua lối cầu Nhật Tân. Có thể tự hào rằng, chúng ta đã biến con đường đó thành một vệt cây xanh đáng tự hào.

“Nhớ ngày mới trồng cây trên con đường đó, nhiều người phàn nàn nào là trồng quá dày, nào là toàn cây lạ…nhưng tới nay, khi cây đã ra lá, hình hài đã rõ ràng thì không thấy ai dị nghị nữa. Chủ trương trồng thêm 1 triệu cây xanh của Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã được mọi người hưởng ứng. Chúng ta dễ dàng nhận ra, tại các phố mới, cây xanh đã được chú ý đưa vào trồng thêm quy cách rõ ràng với các chủng loại được chọn lọc. Đây là điều rất đáng được ghi nhận” – ông Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm với ông Nguyễn Lân Hùng, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Thời gian qua, chính quyền thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo tích cực về mục tiêu phát triển 1 triệu cây xanh vào năm 2020. Trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, thành phố luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này làm cho Thủ đô Hà Nội đã có những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường. Việc thống nhất về chủng loại, mỗi khu phố khác nhau có một loài cây hay nhóm loài cây khác nhau để tạo nét đặc trưng, tạo lập hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện với mục tiêu xây dựng Thủ đô là một thành phố xanh – sạch – đẹp”.

Hà Nội đẩy mạnh cơ giới hóa trong việc chăm sóc, cắt tỉa cây xanh

Cùng với việc trồng mới, công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đô thị trong những năm qua cũng đã có bước phát triển vượt bậc. Việc đầu tư trang bị các loại máy móc hiện đại, cơ giới hóa đã tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực này. Trong 2 năm 2016 – 2017, Thành phố đã thực hiện cắt sửa được gần 80 nghìn cây xanh, trong khi đó, các năm trước Thành phố chỉ cắt sửa được từ 3 nghìn đến 4 nghìn cây xanh/năm. Việc cắt sửa và chăm sóc cây xanh đô thị đã cải thiện được cảnh quan, kiến trúc trên các tuyến phố, thúc đẩy cây xanh đô thị sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại cây đổ, cành gẫy trong mùa mưa bão, góp phần bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị của Thủ đô.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, Thành phố đã xanh hơn, sạch đẹp hơn, tuy nhiên theo, đánh giá của các chuyên gia, hệ thống công viên cây xanh ở Hà Nội hiện vẫn phát triển chưa theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị. Cùng với đó, việc quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống công viên cây xanh chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường và cảnh quan đô thị… tỷ lệ cây xanh, cây hoa trên một số địa bàn còn ít; việc áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực công viên vườn hoa trên địa bàn còn chưa tương xứng; hệ thống vườn ươm còn hạn chế về quy mô, số lượng, chủng loại cây còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường cây xanh Thành phố, cây cho dự án cũng như đảm bảo cây thay thế…

Để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại, cây xanh sẽ là điểm nhấn, là một bộ phận trang trí của Thủ đô, theo ông Vũ Kiên Trung – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, Thành phố cần tạo ra chuyển biến rõ nét trong công tác tổ chức, quản lý, duy trì và phát triển hệ thống công viên cây xanh đô thị.

Theo đó, Thành phố cần tiếp tục đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật đầu tư trang thiết bị máy móc thực hiện công tác quản lý, cắt sửa cây xanh đô thị. Đầu tư máy móc phục vụ công tác duy trì, bảo dưỡng hệ thống vườn hoa công viên. Đầu tư các loại cây hoa, cây cảnh phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Hà Nội. Trước mắt nên chọn các loại cây đô thị đẹp đã được kiểm nghiệm phù hợp với điều kiện đô thị Hà Nội như cây hoa ban, cây sang, cây chà là, cây cọ dầu, cây lộc vừng, cây sưa trắng, cây bàng lá nhỏ, cây chiêu liêu, cây sao đen, cây phượng, cây bằng lăng, cây muồng vàng… Về lâu dài, cần có kế hoạch tuyển chọn và sản xuất các loại cây bóng mát lại vườn ươm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tiếp tục đầu tư mua công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ về quản lý cắt sửa cây xanh đô thị, công nghệ trồng, đánh chuyển cây xanh đô thị (đặc biệt là cây xanh có đường kính lớn), công nghệ nuôi cấy mô, sản xuất các cây xanh, cây hoa, cây cảnh…Đẩy mạnh quan hệ hợp tác, xã hội hóa công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị.

Bên cạnh những giải pháp trên, ông Nguyễn Lân Hùng – Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, để Hà Nội ngày một xanh hơn, đẹp hơn, ý thức tự giác của người dân trong việc trồng, bảo vệ cây xanh cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Theo HNP


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chương trình trồng một triệu cây xanh: Hướng tới thành phố xanh, văn minh và hiện đại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.