Chuyện rau xanh, nước ngọt ngoài “pháo đài thép” – Kỳ 3: “Nông thôn mới” giữa ngàn khơi sóng

Mai Thắng|06/04/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Giữa trùng dương bao la, tiếng gà gáy báo thức lúc hừng đông, tiếng chó sủa trong đêm làm tỉnh giấc, tiếng vịt kêu đòi ăn lúc chiều về. Một kiểu mẫu gia đình nông thôn Việt Nam giữa ngàn trùng sóng gió chỉ có ở nhà giàn DK1.

Gà gáy lúc hừng đông

Tháng 3, đặt chân lên nhà giàn DK1 sau chặng hải trình hơn một ngày đêm bập bềnh trên sóng nước, tôi không chỉ xúc động trước những nỗ lực vượt  khó của cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1; mà còn bất ngờ bởi những mảng rau xanh mơn mởn đủ các loại rau. Đây bồn rau cải, mồng tơi; kia bồn rau muống, lá lốt; phía cuối lan can là cây chanh tốt nửa thân người.

Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16 đón chúng tôi trong ân tình kiêu hãnh. Chỉ tay về đàn vịt đang thả trong chuồng, Trung tá Nam “khoe”: “Trồng rau ở nhà giàn giờ xưa rồi anh ơi. Ở đây nuôi cả vịt, ngan, chó, gà nữa. Đất liền có gì, nhà giàn có nấy”.

Đàn vịt, gà ở nhà giàn DK1/16

Kể về những khó khăn trong việc trồng rau và chăn nuôi trên nhà giàn giữa biển khơi thiếu nước ngọt, thừa nắng gió, Trung tá Lê Xuân Nam bắt đầu câu chuyện bằng nghị lực vượt khó của Mai An Tiêm thủa xưa quê mẹ Xứ Thanh: “Chúng ta là người có khối óc và hai bàn tay thì gian nan và vất vả mấy cũng qua được. Mai An Tiêm đã trồng được dưa hấu trên đảo cát trắng thì chúng tôi cũng đã trồng, nuôi gà, vịt trên nhà giàn”.

Hỏi sao lại gọi là “vùng biển bão tố”, Trung tá Nam chia sẻ, bởi nắng gió cả năm, trước khi những cơn bão đổ bộ vào đất liền, đều “quét” qua Trường Sa, hoặc DK1. Bởi vậy, trồng rau ở nhà giàn đã là “diệu kỳ”; chó, gà, vịt sống được trên sóng nước, càng ngạc nhiên hơn. “Nhiều đoàn khách từ đất liền ra thăm, gọi vườn rau là “ba bi lon”, gọi chúng tôi là “rô bin sơn” vì da ai cũng đen nhẻm. Có vị khách khi nhìn thấy cây ớt sai quả, đã xin về đất liền nhân giống”, anh Nam chia sẻ.

Cây ớt sai quả ở nhà giàn Phúc Nguyên 2

Nếu trồng rau xanh ở nhà giàn đã “kỳ công”, thì nuôi gà, vịt, lợn, chó càng vất vả hơn. Chỉ vào chuồng đang thả chục con vịt, gà nuôi chung, Trung tá Nam cho hay, gà, vịt mang từ đất liền ra thường bị trúng gió chết, vì vậy những con thích nghi được trong quá trình nuôi cũng phải theo dõi chặt chẽ và che gió cẩn thận. Khi đã thích ứng được với thời tiết thì chúng cũng lớn nhanh như ở đất liền.  Gà nuôi ở nhà giàn đều là gà trống, nên mỗi khi chúng đồng loạt gáy nghe rất vui tai. Tiếng chó sủa, gà gáy và những khoảnh rau tươi tốt ở đây còn là “liều thuốc” tinh thần cho cán bộ chiến sĩ. Mỗi lần nghe tiếng chó sủa, tiếng gà gáy ai cũng có cảm giác như đang ở nhà, nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi một nửa.

“Ao cá Bác Hồ”

Mỗi nhà giàn DK1 đều có một “Ao cá Bác Hồ” dưới sàn công tác. Đó là cách nói ví von của cán bộ chiến sĩ. Bởi “ao cá” ấy nhiều chủng loại, ăn theo giờ, bơi theo đàn và thường xuyên làm ấm lòng bộ đội, đặc biệt khi biển động, bão tố tràn về

Mùa lặng sóng, từ lúc bình minh đến cuối hoàng hôn, hàng chục loại cá như: cá cơm, kìm, cam, tre, rô cờ “tung tăng” bơi lội dưới sàn cập tàu. Chúng “hội tụ” đông nhất là thời gian trước bảy giờ sáng và sau 18 giờ chiều. Đó là lúc bộ đội đổ cơm thừa xuống biển. Dưới đàn cá vẫy vùng tranh nhau ăn, trên sàn cập tàu những chiến sĩ cầm đàn ghi ta hát, một không gian lãng mạn chỉ nhà giàn mới có.

Cá tươi câu lên từ biển ở nhà giàn DK1/11

Trung tá Dương Văn Hoan- Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/21, là “tay sát cá” trong “nhóm cứu hộ mùa biển động” cho biết, thức ăn chủ yếu trong ba bữa cơm hằng ngày của bộ đội nhà giàn là cá và rau xanh. Thịt hộp chỉ “điểm bữa” mỗi khi có đồng đội từ tàu trực lên chơi, hoặc khách từ đất liền ra thăm. “Một ngày có thể câu được hơn tạ cá, cũng có ngày thả câu từ sáng tới tối chẳng được con nào. Đó là những ngày biển động, bão tố ập đến, cá lặn sâu dưới đại dương, chui vào san hô ẩn nấp. Trước đây chưa có tủ lạnh, cá câu từ biển lên, không ăn hết dùng làm ruốc khô gửi về đất liền làm “quà của biển”. Từ khi nhà giàn nào cũng có tủ cấp đông, cá câu được nhiều, ăn không hết, bộ đội cho vào thùng xốp, ướp đá gửi về đất liền theo tàu thay trực tặng người thân, hoặc làm mắm. Mắm ở nhà giàn nhiều chất đạm và siêu sạch, không chất bảo quản”, Trung tá Hoan cho biết.

“Giải mã” gọi là “nhóm cứu hộ mùa biển động”, Trung tá Hoan cho hay, mùa bão tố ập đến, sóng lớn ầm ầm cấp 6, cấp 7, bộ đội “đói cá” vì cả tuần không câu được. Lúc đó anh em dùng cơm giã nhuyễn “vắn” thành từng miếng mồi, móc vào lưỡi câu để “nhử” cá cơm ở “Ao cá Bác Hồ”. Trong khi cả nhà giàn “tay trắng, câu sạch”, thì cá “cắn câu” anh. Từ đó cán bộ chiến sĩ gọi anh là “cứu hộ mùa biển động”

Học tập Bác Hồ chẳng đâu xa

Đến cuối năm 2018, 14/15 nhà giàn hoàn thành việc nâng cấp sửa chữa thành nhà giàn hiện đại. Trên mỗi “pháo đài” ấy đều có “không gian nông thôn mới” với “vườn, ao, chuồng”. Điều đó không chỉ khẳng định ý chí vượt khó của bộ đội DK1; mà còn là kết quả của việc làm đúng, trách nhiệm cao, sáng tạo hay, trong thực hiện cuộc vận động “Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”.

Bắt nguồn từ khó khăn, gian khổ; không “đầu hàng” trước khắc nghiệt của đại dương, mỗi cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 là một “chiến sĩ nuôi quân giỏi” trên 15 “pháo đài thép”. Từ việc ăn rau khô dè xẻn, đến việc có rau tươi mỗi ngày; từ chỗ tiết kiệm từng ca nước ngọt, tới tắm thỏa thích sau mỗi chiều huấn luyện; từ việc “đói cá” mùa biển động đến “cá ăm ắp trong tủ cấp đông”. Tất cả đều nhờ ý thức cao, việc làm tốt, hành động thiết thực của những người lính “đầu đội trời, chân đạp sóng”.

Mai Thắng

Bài liên quan
  • Chuyện rau xanh, nước ngọt ngoài “pháo đài thép” – Kỳ 2: Chuyện Nước ngọt ở “Pháo đài thép”
    Moitruong.net.vn – “Đong nước vào can chia phần cho bộ đội ngồi trong chậu tắm, nước thải để tưới rau”, công việc “đặc biệt” ấy chỉ có ở nhà giàn DK1. Giữa biển mênh mông, nhớ đất liền “cháy lòng”, thèm hơi ấm bàn tay người vợ trẻ, tiếng trẻ bi bô gọi bố trước lúc lên đường. Ở nơi tận cùng gian khó ấy, bộ đội nhà giàn vẫn kiên cường trụ vững với ý chí “còn người còn nhà giàn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chuyện rau xanh, nước ngọt ngoài “pháo đài thép” – Kỳ 3: “Nông thôn mới” giữa ngàn khơi sóng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.