(Moitruong.net.vn) – Cơm rượu là một món ăn đặc trưng trong ngày tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là ngày tết giết sâu bọ của người Việt, tuy nhiên, cách ăn cơm rượu như thế nào để đảm bảo sức khỏe thì không phải ai cũng biết.
Cơm rượu phải ăn đúng cách mới tốt cho sức khỏe
Cơm rượu theo y học cổ truyền có tính nóng, kết hợp với ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch là ngày cực dương, là ngày sâu bọ có thể sinh sôi nảy nở nhiều nhất, kể cả những ký sinh trùng lưu trú trong người (theo quy luật Âm sinh – Dương trưởng). Cho nên vào ngày này, theo cổ truyền thường ăn cơm rượu để không cho những ký sinh trùng trong người phát triển. Ngoài ra còn động viên mọi người cùng bắt sâu bọ cho hoa màu.
Về cách ăn cơm rượu thế nào để tốt cho sức khỏe, BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, BV Nhân Dân 115 cho biết: “Cơm rượu có tính nóng, do đó không nên sử dụng cho người có thể trạng nóng. Theo Y học cổ truyền thì người thể trạng nóng là người không cân bằng giữa Âm và Dương, phần Âm không khống chế được phần Dương và biểu hiện nóng trội lên. Biểu hiện này thường là cảm giác nóng, bứt rứt, ngủ không yên, hay nổi mụn, lưỡi đỏ không có rêu lưỡi hoặc rêu lưỡi vàng, nước tiểu vàng… Trong y học cổ truyền có câu “nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng”, nên người có những biểu hiện này không nên ăn cơm rượu vì sẽ càng làm cho người nóng hơn, đối với bạn trẻ thì thấy nổi mụn trứng cá nhiều hơn”.
Bác sĩ Thắng cho biết thêm, về khía cạnh khoa học, cơm rượu đã được nghiên cứu và kết quả ghi nhận được là có tác dụng giảm mỡ máu xấu, cải thiện chức năng tim mạch, huyết áp… Điểm này cũng tương đồng với lời khuyên của bác sĩ tim mạch cho phép sử dụng rượu vang với mức độ 1 ly/ngày giúp cải thiện vấn đề tim mạch. Ngoài việc sử dụng cơm rượu, theo Y học cổ truyền người ta cũng hái thuốc vào ngày này với quan niệm ngày cực dương nên cây thuốc cũng phát triển mạnh và có nhiều tác dụng nhất. Ví dụ, hái lá dâu vào ngày này để sử dụng thì các bệnh về mắt sẽ giảm và mắt sáng hơn.
Thảo Nhi