(Moitruong.net.vn) – Hôm nay (ngày 12/4), Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội trước khi thực hiện chính thức.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có điểm mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh (đặc biệt là là ở cấp THPT). Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới được triển khai theo tinh thần của Nghị quyết 88 năm 2014 của QH khóa 13.
Đây là lần thứ 2, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố. Trước đó, năm 2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công cố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
Chương trình giáo dục THCS giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu bao gồm: nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm. Ngoài ra sẽ hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi: năng lực tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo; năng lực giao tiếp, năng lực tính toán, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất. Ngay từ lớp 10, học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp. Đến lớp 11 và 12, học sinh sẽ tiếp cận nhiều hơn với thực tế nghề nghiệp trong tương lai nên ngoài một số môn bắt buộc, các em được chọn 5 môn phù hợp cho định hướng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đề cập tới định hướng xây dựng các chương trình môn học; định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; điều kiện thực hiện chương trình phổ thông và phát triển chương trình giáo dục phổ thông.
Bạch Dương (T/h)