() – Biến đổi khí hậu đang là một hiểm họa nghiêm trọng đối với toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo – những người không gây ra biến đổi khí hậu nhưng lại là đối tượng đầu tiên phải chịu những thiệt hại nghiêm trọng nhất. Biến đổi khí hậu tác động tới môi trường toàn cầu nhưng rõ rệt nhất là tới đời sống dân cư, hủy hoại sản xuất nông nghiệp và làm suy thoái đa dạng sinh học và tài nguyên nước. Biến đổi khí hậu(BĐKH) là vấn đề trước mắt đồng thời cũng là vấn đề lâu dài, vì vậy công tác ứng phó với BĐKH đòi hỏi cần phải cân nhắc cả nhu cầu hiện tại của cộng đồng và tầm nhìn dài hạn về cách thức kiểm soát tác động trong tương lai.
Một số kết quả chính trong giai đoạn 2011-2015
Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, với sự chủ động, nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường – Cơ quan quản lý Chương trình và sự tham gia có trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chương trình MTQG ứng phó với BĐKH đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, xây dựng, cập nhật và công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Thứ hai, đánh giá được các tác động của biến đổi khí hậu đến từng lĩnh vực, từng khu vực; đề xuất được các giải pháp ứng phó phù hợp và ban hành được Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho từng Bộ, ngành và từng địa phương.
Thứ ba, nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân trong công cuộc ứng phó với BĐKH được tăng lên, đặc biệt là người dân khu vực ven biển, khu vực miền núi, khu vực ĐBSCL, nơi chịu tác động trực tiếp của BĐKH đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác thích ứng với BĐKH để duy trì, phát triển sinh kế bền vững.
Thứ tư, đầu tư từ NSNN cho các hoạt động ứng phó với BĐKH được chú trọng. Nhiều Chương trình quy mô quốc gia được triển khai đồng bộ (Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Chương trình KHCN quốc gia về biến đổi khí hậu…)
Thứ năm, Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc ứng phó với BĐKH toàn cầu, qua đó đã có nhiều hỗ trợ đáng kể về nguồn lực tài chính, tri thức và công nghệ cho Việt Nam. Chỉ tính riêng hỗ trợ quốc tế thông qua Chương trình SP-RCC là gần 1,3 tỷ USD.
Thứ sáu, nhiều chính sách liên quan đến thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNN đã được xây dựng và ban hành, nhiều mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH đã được nhân rộng, nhiều dự án đầu tư ứng phó với BĐKH đã và đang tiếp tục được thực hiện, từng bước ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là người dân ở các địa phương ven biển.Qua đó đã tạo ra sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị (Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương) trong công tác ứng phó với BĐKH.
Định hướng ưu tiên trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020
Mặc dù, thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục đề cập đến biến đổi khí hậu như một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời cuộc. Cho đến nay, sự nhận thức về biến đổi khí hậu của cộng đồng dân cư ở nước ta còn chưa thật sự đầy đủ và sâu sắc, đặc biệt ở cấp độ những người hoạch định chính sách. Nhiều người dân còn chưa thấy hết mối nguy cơ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đang đe dọa sự phồn thịnh chung của nhân loại, thậm chí còn hiểu sai về bản chất của ‘biến đổi khí hậu’, coi đó chủ yếu chỉ là vấn đề của môi trường. Chính vì vậy cần có những định hướng ưu tiên trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong những năm tiếp theo.
Thứ nhất, tiếp tục cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, chi tiết đến từng địa phương, làm cơ sở định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.
Thứ hai, tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu.
Thứ tư, cần xây dựng và ban hành Kế hoạch thích ứng quốc gia cũng như kế hoạch thích ứng cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực, nhất là những lĩnh vực dễ bị tổn thương như nông nghiệp, thủy sản, tài nguyên nước, đa dạng sinh học.
Thứ năm, cần xây dựng, cập nhật lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam; xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và nghĩa vụ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Thứ sáu, đẩy mạnh các nghiên cứu về công nghệ, thiết bị mới thân thiện với khí hậu; các giống mới có khả năng thích nghi với độ mặn cao, thích nghi với nhiệt độ cao, thích nghi với hạn hán gia tăng.
Thứ bảy, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước.
Thứ tám, ưu tiên nguồn lực đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, trọng tâm trong 5 năm tới là:
1) Trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng, tăng cường khả năng hấp thụ CO2 và tạo sinh kế bền vững cho người dân;
2) Trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, nâng cao độ che phủ, giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ các công trình hạ lưu, điều hòa khí hậu, duy trì và phát triển sinh kế bền vững;
3) Xây dựng, nâng cấp, các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng;
4) Xây dựng, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông kết hợp các giải pháp công trình mềm ở những khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân.
Trương Đức Trí – Phó Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH
Bộ Tài nguyên và Môi trường