Báo cáo có tựa đề “Virus bất bình đẳng” của tổ chức từ thiện Oxfam hôm qua nhận được nhiều quan tâm. Nó cho thấy giới siêu giàu phục hồi từ những thiệt hại mà COVID-19 gây ra trong thời gian ngắn kỷ lục, nhưng hàng tỷ người sẽ sống trong cảnh nghèo đói trong vòng ít nhất một thập kỷ.
COVID-19 đã tấn công mạnh nhất những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, trong đó, phụ nữ và những lao động yếu thế phải đối mặt với tình trạng mất việc làm tồi tệ nhất. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới còn cảnh báo, hơn 100 triệu người có thể rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực.
COVID-19 đã tấn công mạnh nhất những người nghèo và những người dễ bị tổn thương
Ngược lại, báo cáo của Oxfam cho thấy, tài sản ròng của các tỷ phú trên thế giới đã tăng thêm tới 3 nghìn 900 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12/2020 – đạt gần 12 nghìn tỷ. Xét riêng 10 tỷ phú, thì họ cũng đã kiếm được khoản tiền khổng lồ trong dịch.
Bà Gabriela Bucher – Giám đốc điều hành Tổ chức Oxfam cho rằng: “Trong đại dịch, 10 tỷ phú kiếm được 500 tỷ USD – số tiền đủ để giúp tất cả mọi người trên thế giới không rơi vào đói nghèo, số tiền đó cũng đủ để mua vaccine cho tất cả người dân. Nhưng ở phía còn lại, hàng triệu người mất việc làm, sinh kế, khoảng cách giàu nghèo là rất lớn. Và năm nay, sự bất bình đẳng này gia tăng ở hầu khắp quốc gia trên toàn cầu – lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu có báo cáo”.
Một khảo sát toàn cầu mới của Oxfam với 295 nhà kinh tế học đến từ 79 quốc gia cho thấy, 87% người được hỏi, bao gồm Jeffrey Sachs, Jayati Ghosh và Gabriel Zucman, dự đoán rằng bất bình đẳng thu nhập ở nước họ sẽ ‘tăng’ hoặc ‘tăng mạnh’ do hậu quả của đại dịch. Tổ chức từ thiện Oxfam cho rằng có thể phải mất hơn 1 thập kỷ để giảm số người nghèo đói về mức như trước đại dịch.
Theo Giám đốc điều hành Oxfam, việc tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Các chính sách về thuế cũng có thể sử dụng để phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Phụ nữ tiếp tục là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên toàn cầu, phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các ngành nghề trả lương thấp và bấp bênh, vốn chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID-19. Nếu tỷ lệ nam và nữ lao động trong những ngành này là tương đương nhau, 112 triệu phụ nữ sẽ không phải chịu nguy cơ cao bị mất việc làm hoặc thu nhập. Phụ nữ cũng chiếm khoảng 70% lực lượng lao động trong lĩnh vực chăm sóc xã hội và y tế toàn cầu – những công việc thiết yếu nhưng thường bị trả lương thấp, đồng thời khiến họ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn.
Bất bình đẳng đang cướp đi mạng sống của nhiều người. Người gốc Phi ở Brazil có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao hơn 40% so với người da trắng. Gần 22.000 người da đen và người Latinh ở Hoa Kỳ sẽ vẫn còn sống nếu tỷ lệ tử vong do COVID-19 của họ bằng với người da trắng. Tỷ lệ nhiễm bệnh lẫn tỷ lệ tử vong đều cao hơn ở những khu vực nghèo của các nước như Pháp, Ấn Độ, và Tây Ban Nha. Những vùng nghèo nhất của Anh có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao gấp đôi những vùng giàu nhất.
Kinh tế công bằng là mấu chốt cho phục hồi kinh tế nhanh sau COVID-19. Oxfam cho rằng, nếu đánh thuế tạm thời lên phần siêu lợi nhuận của 32 tập đoàn toàn cầu thu lợi nhiều nhất trong đại dịch, thì có thể đã huy động được 104 tỷ USD trong năm 2020. Số tiền này đủ để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho tất cả người lao động và hỗ trợ tài chính cho toàn bộ trẻ nhỏ, người già ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Châu Anh