Cục Trồng trọt ra công văn chủ động chống rét cho mạ, lúa

09/01/2018 07:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trước diễn biến thời tiết phức tạp, nhiệt độ thấp kéo dài. Ngày 8/1, Cục Trồng trọt có công văn gửi Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc về việc chỉ đạo sản xuất vụ ĐX (Đông-Xuân) 2017-2018 tại các tỉnh phía Bắc.

Cục Trồng trọt ra công văn chủ động chống rét cho mạ, lúa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 8/1 miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh cường độ mạnh và liên tiếp được tăng cường các ngày sau đó nên từ 9/1, nhiệt độ miền Bắc sẽ giảm sốc xuống hơn 10 độ C, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong ngày ở vùng đồng bằng phổ biến 10 – 12 độ C, các tỉnh vùng núi từ 8 -10 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C.

Thời tiết rét đậm, rét hại có thể kéo dài sang cả tháng 2. Để sản xuất vụ ĐX 2017 – 2018 đạt kết quả tốt, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc tập trung chỉ đạo các nội dung sau:

1. Đối với sản xuất lúa

a) Đối với diện tích lúa đã gieo sạ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ: Cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng chống rét cho lúa kịp thời; duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 2 – 3cm, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét, nếu lúa bị chết phải dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm.

b) Đối với diện tích mạ đã gieo: Tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng cụ che chắn để chống rét cho mạ bằng vòm che phủ ni lông, tưới đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón phân đạm vào những ngày trời rét, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp nguội để chống rét cho mạ. Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C.

c) Đối với diện tích chưa gieo mạ, tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo mạ xuân muộn theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất và diễn biến của thời tiết; tránh tình trạng để nông dân gieo mạ vào thời gian thời tiết rét đậm, rét hại. Nên gieo mạ trà xuân muộn xung quanh tiết Lập xuân (4/2/2017). Chỉ đạo che phủ nilon hết 100% diện tích mạ để phòng tránh rét và ngăn chặn xâm nhập của rầy gây bệnh ngay trên mạ.

d) Tập trung chỉ đạo trà xuân muộn gieo cấy chậm nhất kết thúc trước 28/2. Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc có thể kéo dài nhưng không quá 5/3 để đảm bảo lúa xuân sinh trưởng phát triển tốt đặc biệt là giai đoạn làm đòng, trỗ bông trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất và né tránh mưa khi vào mùa mưa.

đ) Theo sát lịch lấy nước phục vụ gieo cấy vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ tại Thông báo số 10694/TB-BNN-TCTL ngày 26/12/2017 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT (đợt 1 từ 0h ngày 16/1 đến 24h ngày 19/1/2018; đợt 2 từ 0h ngày 28/1 đến 24h ngày 4/2/2018 và đợt 3 từ 0h ngày 9/2 đến 24h ngày 14/2/2018).

Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về nhân lực và hệ thống máy bơm, kể cả bơm dầu, bơm lưu động để lấy nước đạt hiệu quả cao nhất, lấy nước đổ ải thau chua, rửa mặn ở vùng ven biển, tích và giữ nước kịp thời hiệu quả, đảm đủ nước gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, giữ nước cho tưới dưỡng giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng; tránh làm thiệt hại và ảnh hưởng đến vùng trồng cây vụ đông.

e) Chuẩn bị tốt nhất điều kiện làm đất, vật tư để khẩn trương gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ đã xác định ngay khi có đủ nguồn nước và thời tiết thuận lợi.

2. Đối với sản xuất rau màu

a) Tiếp tục chỉ đạo nông dân chăm sóc các loại rau màu vụ đông; thu hoạch kịp thời cây đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng; chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây màu vụ xuân như lạc, ngô, dưa chuột, bí xanh… Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm.

b) Với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch cần chỉ đạo nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống rau các loại, đảm bảo chất lượng để tiếp tục gieo trồng ngay trên diện tích mới thu càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn rau cung cấp cho thị trường, nhất là dịp trước, sau Tết Nguyên đán.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo nông dân thực hiện tốt các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là giải pháp về thời vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để né tránh thiên tai, dịch bệnh và gia tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

4. Các địa phương cần chủ động rà soát lại diện tích gieo cấy lúa ở những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi sang các loại cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn phải có sự chỉ đạo thành vùng, hướng dẫn lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, gói kỹ thuật thâm canh phù hợp.

5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động và sẵn sàng các phương án phòng, chống rét kịp thời; chuẩn bị đủ mạ và nguồn giống lúa dự phòng đảm bảo chất lượng để chủ động khắc phục khi cần thiết.

6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên thị trường, kiên quyết không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, thiệt hại cho nông dân.

Theo Nông nghiệp Việt Nam


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cục Trồng trọt ra công văn chủ động chống rét cho mạ, lúa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.