Đà Nẵng chú trọng các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và ứng phó với BĐKH

Như Ngọc|13/12/2021 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Đà Nẵng đã chú trọng nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, các giải pháp thích nghi bao gồm việc đề xuất những biện pháp bảo vệ con người và không gian bằng cách giảm thiểu khả năng nhạy cảm với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro, điều chỉnh các hoạt động kinh tế để giảm nhẹ ảnh hưởng và cải thiện khả năng sản xuất kinh doanh. Giảm thiểu là giải pháp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển, thực hiện cơ chế phát triển sạch.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch của thành phố cũng đã phân vùng bảo vệ môi trường với 7 phạm vi ưu tiên, bao gồm các khu vực như khu vực phát triển đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, trong đó đặt mục tiêu xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, các trung tâm thương mai dịch vụ, khu sinh thái,… gắn với bảo vệ cảnh quan cây xanh, mặt nước, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn tập trung của mỗi khu chức năng.

Phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của Đà Nẵng gắn liền các giải pháp phòng, chống và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Hình thành các khu dân cư với mật độ xây dựng thấp, công viên sinh thái, phát triển hài hòa cảnh quan và môi trường. Có các giải pháp thu gom và xử lý nước thải hiệu quả, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh môi trường. Đối với các khu công nghiệp, công nghệ cao, logistics, Đà Nẵng định hướng phát triển công nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, quan trắc định kỳ chất lượng môi trường theo chương trình giám sát môi trường tổng thể và chi tiết, có phương án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn.

Với các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu dịch vụ du lịch, Đà Nẵng đã có đề án quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp sạch, chất lượng cao; hạn chế và sử dụng hợp lý, đúng kỹ thuật hóa chất bảo vệ thực vật, phân hóa học và quy hoạch xây dựng các công trình phù hợp, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải phù hợp, hiệu quả, bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật, mỹ quan và môi trường.

Tại phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, chính quyền địa phương cũng xác định những khu vực đất cây xanh và khu vực nông nghiệp và dân cư nông thôn thuộc phạm vi ưu tiên những giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu dài hạn như duy trì, phát triển, đầu tư quy hoạch, thiết kế, tăng tính thẩm mỹ; trồng các loại cây phù hợp, ưu tiên sử dụng các chủng loại cây trồng đặc trưng của thành phố và từng khu vực cụ thể (theo khí hậu, thổ nhưỡng); có biện pháp chăm sóc hợp lý, hạn chế sử dụng hóa chất.

Đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng hợp lý hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, từng bước tiến dần đến phát triển nông nghiệp sạch; Xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn theo tiêu chí phát triển nông thôn mới, có lối sống lành mạnh, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường.

Căn cứ theo mức độ tác động tới môi trường xung quanh và các quy định trong quy chuẩn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Đà Nẵng cũng đã đề xuất những quy định cụ thể nhằm quản lý các nguồn và hoạt động tác động đến môi trường. Trong đó, những khu vực trọng điểm, nhạy cảm về môi trường như khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, khu vực sân bay Đà Nẵng…đều có các quy định cụ thể đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Với việc hướng tới sự phát triển bền vững, mục tiêu của Đà Nẵng là trở thành một thành phố an toàn và giảm nhẹ tác động của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là hiện tượng nước biển dâng cao đe doạ thành phố ven biển này.

Như Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đà Nẵng chú trọng các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và ứng phó với BĐKH
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.