Khu vực bãi Rạng, bãi Nam, bãi Bụt, ghềnh đá Obama (Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) những ngày cuối tuần qua thu hút khá đông các bạn trẻ là dân bơi lặn chuyên nghiệp. Họ tập trung đến đây để vừa “thư giãn” với không gian biển xanh, cát trắng, vừa hào hứng với thử thách mới khá hấp dẫn là… lặn biển nhặt rác.
Hào hứng trải nghiệm lặn biển nhặt rác ở Sơn Trà (Đà Nẵng)
Trải nghiệm nhặt rác dưới biển
Có mặt tại bãi đá Obama từ rất sớm, Lê Anh Tiến (HLV dạy môn bơi lặn tại Bể bơi bốn mùa 30.4 Đà Nẵng) cũng các đồng môn và những học trò của mình chuẩn bị cho một chuyến lặn biển. Điểm khác biệt lần này của nhóm Tiến so với những lần lặn trước là sự “có mặt” của mớ đồ nghề lỉnh để gắp rác, gom rác dưới biển và cả những sọt nhựa kéo rác vào bờ.
Một hơi lặn chừng 40 giây chỉ có thể nhặt chừng 3-4 vỏ lon.
Chuẩn bị xong đâu đó, Tiến “dàn quân” tiến ra các bãi đá ở khu vực đã chọn và khoanh vùng cho thử thách nhặt rác. Tiến cho biết, không phải bạn nào bơi giỏi cũng lặn được, mà vừa lặn vừa nhặt rác lại càng không dễ. Trước khi xuống nước, Tiến và các bạn chia nhau công việc và vị trí cụ thể phù hợp với khả năng lặn, kỹ năng ếm hơi của từng người. Các bạn cũng phải dặn nhau quan sát động thái của người cảnh giới bên trên, quan sát để tránh san hô, cá chình…
“Các bạn trong đội lặn chừng 40 giây cho một hơi lặn. Bằng ấy thời gian có thể nhặt được 3-4 vỏ lon hay hộp nhựa. Em lặn được lâu hơn một tí, chừng hơn 1 phút và giỏi lắm cũng chỉ gom được 6 vỏ lon trong một hơi lặn, nói chung là phải lặn và nhặt lon dưới đáy biển để thấy nó vất vả gấp mấy chục lần nhặt trên bờ”, Tiến cho biết.
Vất vả đuổi theo những vỏ lon dưới độ sâu hơn 4 mét nước.
Một bạn trẻ khác cũng đầu tiên tham gia trải nghiệm lặn biển nhặt rác là Trần Mỹ Bình, thuộc CLB Bơi lặn Thanh Khê, Đà Nẵng. Cô bé Bình mới 14 tuổi nhưng có kỹ năng bơi lặn rất tốt nên được chủ nhiệm CLB cho tham gia chuyến lặn biển nhặt rác. Bình khá là tự hào với hoạt động ý nghĩa mà mình tham gia. “Lặn biển nhặt rác rất vất vả và mất sức. Nhưng em vẫn quyết tâm trải nghiệm cho được. Đây thực sự là hoạt động rất thú vị và ý nghĩa”, Mỹ Bình cho biết.
Duy trì lặn biển nhặt rác hàng tuần
Lần đầu tiên trải nghiệm lặn biển, các bạn trẻ đam mê bơi lặn ở Đà Nẵng không chỉ bị hấp dẫn bởi thế giới sinh vật biển đa dạng quanh bán đảo Sơn Trà, các bạn còn thực sự “nhìn” thấy một không gian biển xanh cần được bảo vệ, cần hành động để giảm thiểu rác thải đang “bao vây” các rạn san hô sống, “trói” cả rùa biển và các sinh vật biển khác… “Đây sẽ là công việc được nhóm bơi lặn chúng tôi chọn duy trì thường xuyên, hàng tuần, và dự kiến sẽ vào mỗi sáng chủ nhật ở từng bãi đá khác nhau. Bơi vừa khỏe, vừa vui, xả stress sau một tuần làm việc, lại vừa làm việc có ích bảo vệ môi trường biển”, Tiến hào hứng chia sẻ.
Với Mỹ Bình, nhặt rác đáy biển là hoạt động cộng đồng thú vị nhất trong số các hoạt động kỹ năng, cộng đồng mà Bình từng tham gia. Bình khoe nhóm tham gia lặn biển của bạn với 8 thành viên, trong số đó có cả những huấn huyện viên và học viên bơi lặn. Nên chỉ sau 3 tiếng đồng hồ đã có gần 30 ký rác, chủ yếu là vỏ lon, lưới kéo cá… được kéo lên khỏi đáy biển. “Khi hoạt động này được chia sẻ trên mạng xã hội, đã lan tỏa được đến rất nhiều bạn trẻ đam mê bơi lặn, có lẽ họ thấy được ý nghĩa của công việc này…”, Bình không giấu được tự hào về công việc của mình và nhóm đang làm.
Hơn 10 năm nhặt rác tại các bãi biển quanh Bán đảo Sơn Trà, giờ đến thử thách lặn biển nhặt rác, anh Đào Đặng Công Trung (làm việc trong ngành du lịch tại Đà Nẵng) cho biết hơn 1 tuần nay, có rất nhiều nhóm bạn trẻ tham gia lặn biển nhặt rác, thu gom vỏ chai, vỏ lon, hộp xốp dưới đáy biển quanh khu vực Bán đảo Sơn Trà. Anh Trung cho biết các bạn đi theo nhóm và đều là dân bơi lặn chuyên nghiệp, khả năng lặn tầm 1 phút trở lại, ở độ sâu chừng 3-7 mét nước.
Các bạn trẻ Đà Nẵng “khoe” thanh tích nhặt hơn 30 ký rác dưới đáy biển sau hơn 3 giờ lặn.
Biết anh là gương mặt quen thuộc, rành rẽ Sơn Trà như lòng bàn tay, các nhóm thanh niên lặn biển nhặt rác đã chủ động kết nối với anh để được chia sẻ kỹ năng bơi lặn, kỹ thuật ếm hơi, kinh nghiệm điều áp, cách tiếp cận và thu gom rác an toàn… “Từ nay mình và nhóm của mình sẽ chỉ tập trung vào “giải cứu” các rạn san hô sống ở độ sâu tầm 10 mét nước đang bị nhiều loại lưới ngư lưới cụ bủa vây, chứ bỏ hộp, vỏ lon tầm 3-7 mét đã có các bạn đến từ các câu lạc bộ bơi lặn chung tay gom giúp. Sau tất cả, chúng tôi chỉ muốn lan tỏa tình yêu bền vững đối với môi trường sống, với mẹ thiên nhiên, theo cách mà chúng tôi cho là tốt nhất”, anh Trung chia sẻ.
Có các bạn trẻ hỗ trợ thu gom vỏ lon, anh Đào Đặng Công Trung dành nhiều thời gian hơn cho việc cắt lưới vây ráp quanh các rạn san hô
Cũng theo anh Trung, bên cạnh các nhóm thanh niên Đà Nẵng yêu Sơn Trà, những nhóm bơi lặn chuyên nghiệp, hoạt động lặn biển nhặt rác quanh khu vực Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) còn lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, những người kinh doanh du lịch dịch vụ, khai thác tour lặn ngắm san hô. Không chỉ làm sạch môi trường trên cạn, họ cũng góp sức lặn biển và nhặt rác ở tầng đáy. Vì hơn ai hết, họ là những người hiểu được giá trị của quần thể sinh thái Sơn Trà, hiểu Sơn Trà cần được bảo vệ bền vững như thế nào, sinh thái biển và các rạn san hô cần được bảo đảm một môi trường xanh, sạch để phát triển ra sao…
Tú Anh(t/h)