Vốn là vùng trồng rau sạch lớn nhất TP. Đà Nẵng với khoảng 10ha của hơn 40 hộ dân tham gia sản xuất. Thế nhưng, nơi cung cấp đủ các loại rau như: Mùng tơi, rau muống, cải, bí đao, khổ qua… cho các chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Đà Nẵng và một số vùng lân cận của tỉnh Quảng Nam đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, nhiễm mặn mà không thể cứu vãn. Những giàn bầu, bí đang đang thời kỳ ra hoa, kết trái cháy khô, nhiều diện tích đất của bà con bị bỏ hoang, không canh tác.
Thu nhập chỉ trông vào công việc trồng rau, bà Nguyễn Thái (phường Hòa Thọ Đông) cho biết: Gần 4 tháng nay, gia đình bà ăn không ngon, ngủ không yên vì tình trạng nắng nóng diễn ra liên tục, khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích trồng rau chết gần hết vì không có nước tưới và nhiễm mặn.
“Nắng nóng kéo dài khiến mực nước ngầm xuống thấp, nước sông và nước giếng khoan đều bị nhiễm mặn, tưới tới đâu hoa màu cháy tới đó. Nhiều diện tích rau đang kỳ thu hoạch cũng bị cháy hết”, bà Thái xót xa.
Trước tình trạng khô hạn, nhiễm mặn, nhiều hộ trồng rau ở La Hường đã dừng sản xuất rau, bỏ hoang đất vì không có giải pháp gì khắc phục. Một số hộ khác vẫn tiếp tục cầm cự, gieo trồng những loại rau có khả năng chống hạn tốt để mong có nguồn thu nhập.
Rau lang, rau muống – lựa chọn của các hộ dân cố bám trụ canh tác với thời tiết khô hạn
Bà Nguyễn Thị Nhạ (ngụ tổ 36, phường Hòa Thọ Đông), kể: “Nhiều hộ chỗ cao có điều kiện đã làm giếng khoan để lấy nước nên đỡ thất thu trong tình cảnh nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sâu. Còn những hộ dân có đất ở vùng trũng bình thường đành chấp nhận lấy nước nhiễm mặn từ sông để canh tác khiến rau chậm phát triển, đất mặt trở nên xấu dần.”
Bà Nhạ vừa gánh gầu nước tưới vừa nói với tâm trạng buồn rầu: “Từ tháng 3 tới nay, người dân chỉ biết lắc đầu vì nước nhiễm mặn, nắng nóng thì liên tục, trong khi mưa vẫn không thấy xuất hiện một đợt nào”.
Theo người dân trồng rau ở La Hường, tình trạng khô hạn, nguồn nước tưới bị nhiễm mặn kể từ tháng 3/2019 đến nay. Người dân phải bỏ hoang, không canh tác nhiều diện tích. Một số diện tích đất đang trồng rau cũng không phát triển vì không có nước tưới hoặc bị nhiễm mặn nặng, cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây rơi vào cảnh khó khăn, không có nguồn thu nhập.
Nguyên nhân khiến nguồn nước sông Cầu Đỏ, Thu Bồn, Ái Nghĩa bị nhiễm mặn kéo dài theo ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, suốt thời gian qua, Đà Nẵng và khu vực thượng nguồn các thủy điện ở Quảng Nam hầu như không có mưa. Thực trạng trên khiến việc sản xuất và canh tác của người dân vùng hạ lưu chắc chắc gặp khó khăn, nhất là việc lấy nước thô để sản xuất của TP Đà Nẵng.
Rau cháy khô vì tưới nước nhiễm mặn
Ông Trần Văn Hoàng – Chủ nhiệm Hợp tác xã rau La Hường cho biết, vựa rau này là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay hơn một nửa diện tích đất ở làng rau La Hường đã bị bỏ canh tác vì khô hạn, nhiễm mặn. Hợp tác xã cũng đã có báo cáo gửi UBND phường Hòa Thọ Đông và quận Cẩm Lệ về tình trạng nhiễm mặn ảnh hưởng nặng nề đến người trồng rau. Đồng thời khuyến khích người dân cố cầm cự canh tác những loại rau chịu được hạn hán.
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cho biết hiện chính quyền quận đang nỗ lực vận động các cấp cùng người dân địa phương trang bị các giếng khoan để lấy nước canh tác, sản xuất rau ngắn ngày.
Về lâu dài, ông Sơn khẳng định UBND quận sẽ phối hợp với đơn vị liên quan trong việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, máy bơm đồng bộ… nhằm cung cấp đủ nguồn nước tưới, ổn định năng suất và đầu ra cho sản phẩm rau.
UBND phường Hòa Thọ Đông đã đề ra nhiều phương án chống xâm nhập mặn, nhưng cũng chỉ khắc phục được một thời gian ngắn.
Ngọc Linh (T/h)